Gãy xương ở người cao tuổi

(Dân trí) - Ở người cao tuổi, chỉ cần một lực tác động nhẹ cũng có thể làm gãy và vết gãy rất lâu liền. Nếu không được xử trí và chăm sóc đúng, người bệnh sẽ nhanh bị kiệt sức.

Người cao tuổi thường bị gãy xương trong những tình huống nào?

 

Người cao tuổi thường bị gãy xương do môi trường xung quanh họ không an toàn. Rất nhiều người bị ngã trượt do sàn nhà, nhà vệ sinh trơn; vấp ngã bậc thềm, bậc thang, bậu cửa cao (đặc biệt ở nông thôn); do đồ đạc kê trong nhà xếp lộn xộn, người già mắt kém, va quệt vào có thể ngã.

 

Ngoài ra, người cao tuổi còn có thể gặp những tai nạn giống như ở các lứa tuổi khác, nhưng mức độ sẽ nặng hơn. Có thể lực tác động không mạnh cũng làm gãy xương,  như đi xe đạp bị va quẹt nhẹ, bị trẻ con chạy chơi xô ngã...

 

Những dấu hiệu nào để nhận biết gãy xương ở người già?

 

Gãy xương làm nạn nhân rất đau, tuy nhiên, gãy xương ở người già lại thường không bị di lệch nhiều nên vẫn có thể cử động được phần chi bị đau, tất nhiên, không thể cử động bình thường được. Trong nhiều trường hợp, người già bị gãy xương không nhận biết bằng cảm quan được, mà phải chụp X - Quang mới xác định được.

 

Nhìn chung, khi người già bị gãy xương sẽ thấy đau, sưng, khó cử động phần bị gãy.

 

Điều trị gãy xương cho người cao tuổi có những khó khăn gì?

 

Gãy xương ở người cao tuổi, không chỉ điều trị bằng thuốc mà phải tập trung bổ sung dinh dưỡng. Khó nhất là do vết gãy của người cao tuổi rất lâu liền, không như ở những người trẻ tuổi, hơn nữa nhiều người nghĩ chỉ là những tổn thương nhẹ nên tự ý dùng thuốc giảm đau, bôi dầu gió, mỡ trăn...

 

Để lành xương nhanh chóng, người bệnh cần vận động sớm (theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình), vừa giúp chống loét do tư thế nằm lâu, giúp máu huyết lưu thông làm xương chóng lành, chống sưng phù chi đau, giảm sự cứng khớp, teo cơ...

 

Cũng phải chú ý đến dinh dưỡng. Thức ăn bổ dưỡng nhưng phải phù hợp với cơ thể của người già, vì nếu ăn nhiều chất bổ nhưng không hấp thu được vào máu thì dinh dưỡng vẫn kém. Nên ăn các thức ăn lỏng dễ tiêu hóa. Không cho bệnh nhân ăn những thức ăn lạ, người già ăn thức ăn lạ có thể gây tiêu chảy cấp làm sức khỏe càng nhanh bị suy kiệt hơn.

 

Lời khuyên phòng chấn thương ở người cao tuổi

 

- Việc đi lại phải rất cẩn thận, khi ngồi sau xe máy, xe đạp phải có người giữ... đi bộ cũng phải rất nhẹ nhàng.

 

- Nên đi dép có nhiều ma sát khi vào nhà vệ sinh, đi ở sàn đá hoa...

 

- Khi bị chấn thương không nên tự ý điều trị vì có thể làm bệnh nặng hơn.

 

- Người thân, cần tạo ra môi trường an toàn cho người già: phòng vệ sinh phải khô ráo, có đủ ánh sáng, có các thanh vịn hỗ trợ, bố trí phòng ngủ cho người già ở tầng trệt, nên có nhà vệ sinh gần phòng ngủ...

 

(Phỏng vấn TS Đỗ Khánh Hỷ - Viện phó Viện Lão khoa)

 

Hồng Hải - Kiều Nga