Gánh nặng ung thư: Giải quyết bằng chiến lược phòng ngừa
(Dân trí) - GS-BS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư TP HCM, cho biết: “Cần phải có một chiến lược phòng chống hiệu quả căn bệnh ung thư ở TPHCM, để căn bệnh của thế kỷ này không là một gánh nặng cho thành phố”.
Theo GS BS Nguyễn Chấn Hùng, ước tính có khoảng 6.000 ca ung thư mắc mới mỗi năm ở TP HCM, trong đó thường gặp nhất là ung thư phổi, gan, đại trực tràng và dạ dày ở nam giới. Riêng phái nữ ung thư vú, cổ tử cung, phổi và đại trực tràng là thường gặp nhiều nhất. Trong đó, ung thư đại trực tràng có tỷ lệ bị mắc khá cao ở cả 2 giới và hiện đang có chiều hướng gia tăng.
GS BS Nguyễn Chấn Hùng còn báo động, hơn phân nữa các trường hợp ung thư được phát hiện đưa vào điều trị đều ở vào giai đoạn trễ. Do đó, chiến lược phòng chống ung thư cần phải được thực hiện với sự phối hợp hài hòa giữa việc phòng ngừa phát hiện sớm, điều trị, săn sóc nâng đỡ tạm.
Theo các chuyên gia, phòng ngừa đặc biệt quan trọng đối với một nước đang phát triển như Việt Nam. Vì qua việc phòng ngừa, nó không chỉ giúp việc phòng chống hiệu quả mà còn giúp những người kém may mắn có thể kéo dài sự sống với chất lượng sống được cải thiện rõ rệt.
Trong phòng ngừa, ưu tiên hàng đầu phải dành cho việc kiểm soát thuốc lá, nếu làm tốt sẽ giảm được 30% ca ung thư. Kế đến là phải có chế độ dinh dưỡng phù hợp, không dùng nhiều chất béo có hại, tăng cường ăn các loại hạt, rau trái để giúp cơ thể chống lại ung thư.
Đặc biệt, tại Hội thảo Phòng chống ung thư toàn quốc do Hội Ung thư TP HCM kết hợp với Bệnh viện Ung Bướu TP HCM tổ chức ngày 4 - 5/12,
PGS TS Vũ Thị Nhung, Nguyên Giám đốc BV Hùng Vương, đã đề cao vai trò không thể thay thế của xét nghiệm tế bào cổ tử cung định kỳ, sẽ giúp phát hiện sớm ung thư, nhờ đó bệnh có thể điều trị khỏi.
Ngoài ra, việc sử dụng vắc xin hiện cũng rất được kỳ vọng, vắc xin phòng ngừa ung thư cổ tử cung cho phép phụ nữ có thêm một lựa chọn hứa hẹn trong phòng chống căn bệnh ung thư cổ tử cung.
Theo dự kiến của y tế thế giới, năm 2020, toàn thế giới sẽ có 10 triệu ca tử vong và hơn 23 triệu ca mắc mới các căn bệnh gây ung thư. Trong đó, ở các nước phát triển sẽ có 7 triệu ca mới mắc, với khoảng 3 triệu ca tử vong. Đối với các nước đang phát triễn sẽ có 16 triệu ca mới mắc và có 7 triệu ca bị tử vong.
Ngọc Thanh