Dưỡng sức cho dạ dày
(Dân trí) - Nỗi khổ lớn nhất của người bị bệnh dạ dày là phải hạn chế hay đoạn tuyệt hoàn toàn với rất nhiều loại thực phẩm. Làm sao để không rơi vào tình cảnh này?
Nếu bị trào ngược dạ dày - thực quản thì không nên ăn cháo
Acid dạ dày (vị toan) quá nhiều nên ăn thực phẩm làm từ bột mỳ
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trước đây do điều kiện sống thấp, ăn không no, không ngon, số người bị viêm dạ dày dẫn đến dạ dày teo hoặc thu co, làm cho axít dạ dày bài tiết không đủ. Lúc này, ăn cháo có thể thúc đẩy dạ dày bài tiết axit, giúp tăng tiêu hóa và đường huyết.
Tuy nhiên, khi mức sống ngày càng được nâng cao, chúng ta được ăn ngon và cũng ăn no, dạ dày bài tiết nhiều axit hơn, đó là lý do vì sao người mắc bệnh trào ngược dạ dày - thực quản cũng tăng lên. Món cháo sẽ không còn thích hợp với những người này. Vì vậy, làm theo quan niệm truyền thống chưa hẳn đã đúng. Đối với những người có axit dạ dày bài tiết quá nhiều thì nên ăn thực phẩm được chế biến từ bột mỳ như bánh bao, bánh mỳ, mỳ… bởi vì bột mỳ thuộc tính kiềm, có thể làm cho kiềm, axit trong dạ dày cân bằng, giảm bớt nguy cơ phát sinh bệnh dạ dày.
Thường xuyên ăn tối muộn dễ gây ung thư dạ dày
Đã có nghiên cứu chỉ ra rằng, thường xuyên ăn tối muộn dễ gây ra ung thư dạ dày. Bởi tế bào thượng bì của niêm mạc dạ dày trong khoảng 2-3 ngày mới làm mới một lần. Quá trình tái sinh phục hồi này xảy ra vào ban đêm khi dạ dày, đường ruột nghỉ ngơi. Nếu thường xuyên ăn tối quá muộn, dạ dày đường ruột không được nghỉ ngơi đủ, niêm mạc dạ dày cũng sẽ không phục hồi được thuận lợi.
Ngoài ra, ăn tối quá muộn, thức ăn bị tụ lại lâu ở trong dạ dày, kích thích dạ dày bài tiết dịch vị, gây kích thích cho niêm mạc dạ dày, về lâu dài dễ làm cho niêm mạc dạ dày xói mòn, lở loét, sức đề kháng yếu đi.
Nếu trong thức ăn chúng ta ăn vào hàm chứa chất gây ra ung thư, ví dụ như thường xuyên ăn các thực phẩm chiên rán, nướng, các thực phẩm muối mặn như dưa muối, cá muối… thời gian dài lưu lại trong dạ dày sẽ gây ra ảnh hưởng không tốt cho niêm mạc dạ dày, từ đó dẫn đến ung thư dạ dày.
Lưu ý cho những người bị nhiệt dạ dày
Nhiệt dạ dày tương phản với hàn dạ dày, tức là lạnh bụng. Đông Y cho rằng, nhiệt dạ dày là chỉ phần dạ dày bị tà nhiệt, thông thường là do ăn nhiều thực phẩm khô nóng vì dùng quá nhiều dầu mỡ chiên, rán hoặc uống quá nhiều rượu làm cho dạ dày bị nóng.
Theo các chuyên gia, người bị bệnh nhiệt dạ dày sẽ thường xuyên cảm thấy khát nước và thích uống nước lạnh, không thích uống nước nóng. Sau khi uống nước lạnh vào bụng, cảm giác không thoải mái ở dạ dày sẽ được hóa giải, ngoài ra có người bệnh còn bị hôi miệng, tiểu nhắt, táo bón và các triệu chứng khác.
Nhiệt dạ dày đầu tiên cần phải làm là “thanh nhiệt dạ dày”. Bác sỹ khuyến nghị, người bị nhiệt dạ dày nên ăn nhiều thực phẩm mang tính hàn lạnh có chức năng thanh nhiệt như: đậu phụ, đỗ xanh, mướp đắng, cải thảo, rau cần, chuối, lê vv.
Ngoài ra, hạn chế ăn các thực phẩm mang tính nhiệt, nóng như hạt tiêu, nhãn và hồi hương để tránh làm cho dạ dày nóng thêm. Nhiệt và lạnh dạ dày đều do dạ dày không thích hợp với sự thay đổi của môi trường bên ngoài. Vì vậy, cần chú ý thanh nhiệt dạ dày đồng thời cũng cần chú ý luyện tập có một thói quen ăn uống tốt, chú ý sự phối hợp cân bằng dinh dưỡng của thức ăn, không nên ăn quá nhiều món lẩu và nên ăn nhiều món luộc.
Dương Hằng
Theo 39net