Đường gây ung thư, tăng huyết áp như thế nào?

(Dân trí) - Một chuyên gia dinh dưỡng tiết lộ rằng chỉ cần 1 lượng đường rất nhỏ cũng đủ để “kích hoạt” bệnh tim, tiểu đường và cả căn bệnh ung thư.

Tỉ lệ béo phì đã tăng gấp đôi và số người mắc tiểu đường cũng đang tang chóng mặt trong 30 năm qua. Và vấn đề không dừng lại ở đó - những người bị béo phì và tiểu đường có xu hướng bị huyết áp cao và có nguy cơ mắc các bệnh tim, ung thư, đột quỵ và thậm chí là Alzheimer cao hơn hẳn.

Vậy điều gì đang xảy ra? Thứ gì trong chế độ dinh dưỡng, môi trường, lối sống đã bị thay đổi đáng kể đến mức “kích hoạt” những kẻ thù không mong đợi này?

Một trong những lời giải thích chính là lượng calo nạp vào nhiều hơn số “đốt cháy”. Điều này khiến cơ thể mất cân bằng và gây ra béo phì. Và theo một chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu ĐH Harvard, vấn đề không nằm ở chất béo mà chính là đường – 1 chất có tác dụng như nội tiết, kích thích các bệnh tiểu đường, tim mạch và ung thư phát triển.

Như vậy sau gần ¼ thế kỷ xem nhẹ vai trò của đường, nhiều chuyên gia mới “tỉnh ngộ” và đề xuất nên đánh thuế nặng hoặc có các quy định để giảm lượng đường tiêu thụ.

Đường gây ung thư, tăng huyết áp như thế nào? - 1

Tỉ béo phì, tiểu đường tỉ lệ thuận với tiêu thụ đường

Trên thực tế, sự gia tăng của béo phì và tiểu đường tỉ lệ thuận với mức tiêu thụ đường.

Không chỉ ở các nước phương Tây, những nước mà đường chưa bao giờ là 1 phần của chế độ ăn truyền thống,như Trung Quốc, khi chuyển ăn theo phong cách phương Tây, tỉ lệ tiểu đường đã tăng từ 1% (những năm 80) lên 11%.

Tương tự là Greenland và Canada, những quốc gia chưa từng biết đến tiểu đường hồi những năm 60 thì nay tỉ lệ bệnh đã là 9%.

Nguyên nhân được chỉ ra là do khi đưa đường vào chế độ ăn, cùng với các thực phẩm giàu tinh bột đường (cacbon hydrate) khác, đường huyết sẽ tăng và kích thích tăng tiết insulin, có tác dụng đưa đường vào trong tế bào biến nó thành nhiên liệu có khả năng “đốt cháy”.

Tuy nhiên, điều nguy hại ở chỗ, trong quá trình chuyển hóa, đường thông thường (còn gọi là sucrose) sẽ trở thành đường glucose và fructose, trong đó fructose đặc biệt nguy hại bởi nó chuyển hóa thành chất béo và kích hoạt 1 yếu tố khiến các tế bào trở nên kháng insulin ở gan.

Kháng insulin lại gây rối loạn trao đổi chất, “thủ phạm” gây ra các bệnh mãn tính như huyết áp cao và tăng mỡ máu (triglycerides).

Trong khi đó, tiểu đường typ 2 là kết quả của tình trạng kháng insulin và như vậy, ở 1 mức độ nào đó, những bệnh liên quan với tiểu đường, béo phì sẽ bao gồm bệnh tim, cao huyết áp và Alzheimer.

Đường gây ung thư, tăng huyết áp như thế nào? - 2

Đường gây ung thư như thế nào?

Cũng giống như tiểu đường từng rất hiếm gặp trong xã hội truyền thống cho tới khi họ bắt đầu theo chế độ ăn Tây phương, các nhà nghiên cứu nhận thấy sự gia tăng tương tự với bệnh ung thư.

Vào những năm 60, các chuyên gia sức khỏe tin rằng nhiều loại ung thư “có thể ngăn ngừa” bằng cách thay đổi chế độ dinh dưỡng.

Cách đây khoảng 10 năm, các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng hàm lượng insulin trong máu càng cao thì khả năng phát triển ung thư càng mạnh. Trong khi đó, 1 loại thuốc tiểu đường mà có nồng độ insulin thấp cũng giúp giảm nguy cơ ung thư.

Do đó, vấn đề được đặt ra là đường có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm bệnh ung thư.

Nhưng tại sao ung thư lại xuất hiện khi insulin tăng cao? Đó là bởi insulin tác động rất nhiều tới cơ thể theo những cách khác nhau, trong đó kích thích từ các tế bào đến nhân, các khối u phát triển và những ảnh hưởng khác có lợi cho ung thư như “tắt” chương trình khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư hóa (còn gọi là chương trình tế bào tự tử).

Đường gây ung thư, tăng huyết áp như thế nào? - 3

Đường gây tăng huyết áp như thế nào?

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy đường chịu trách nhiệm chính đối với căn bệnh huyết áp cao.

Thường chúng ta kết tội muối là thủ phạm gây tăng huyết áp. Nhưng các thử nghiệm lâm sàng đang cho thấy kết quả khác hẳn khi mà cắt giảm lượng muối cũng không làm giảm nguy cơ huyết áp, thậm chí ngay cả khi họ giảm tới 50% lượng muối tiêu thụ.

Trong khi đó, mối liên quan giữa huyết áp cao và insulin lần đầu tiên được chỉ ra vào năm 1933. Insulin làm cho thận giữ muối thay vì thải ra qua nước tiểu.

Do đó, càng nhiều insulin trong máu thì sẽ càng nhiều muối và làm tăng nguy cơ huyết áp cao. Nó cũng có khả năng làm tăng huyết áp trực tiếp bằng cách gây co thắt mạch máu.

Hiện chưa có mối liên hệ rõ ràng giữa kháng insulin với bệnh Alzheimer. Nhưng tương tự như ung thư, có mối liên quan với bệnh tiểu đường, những người tiểu đường tăng gấp đôi nguy cơ Alzheimer.

Một số nhà nghiên cứu đang cho rằng Alzheimer là tiểu đường typ 3 bởi tình trạng kháng insulin đã làm tăng tỉ lệ mảng bám amyloid và “mớ rối” protein có tên tau – dấu hiệu điển hình của bệnh.

Nhân Hà

Theo DM