1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Dùng tỏi trị bệnh thế nào cho đúng?

Tỏi có thể ăn tươi, ngâm dấm, đường hoặc pha trà. Tuy nhiên, trong môi trường axit, tác dụng của tỏi tăng gấp 4 lần nên dùng tỏi ngâm dấm là tốt nhất.

Theo Đông y, tỏi vị cay, tính ấm, có công dụng hành khí trệ, làm ấm tỳ vị, giải độc và sát trùng. Do đó, nó thường được dùng để chữa các chứng bệnh như đầy bụng, chậm tiêu, rối loạn tiêu hóa, đau bụng do lạnh, phù thũng, tiêu chảy, bệnh lỵ, sốt rét, ho gà, mụn nhọt, đỉnh độc, viêm loét lâu liền, rụng tóc, nấm tóc, rắn cắn…

Tỏi tươi: là dạng dễ dùng nhất, có thể ăn sống hoặc dầm vào nước chấm. Tỏi sống giúp tiêu diệt vi khuẩn trong khoang miệng. Mỗi ngày nên ăn 2 tép tỏi, nhiều hơn hoặc ít hơn một chút đều được. Tuy nhiên, ăn nhiều quá không có lợi vì dạ dày sẽ dễ bị kích thích và chất axilin có trong tỏi có thể gây ra chứng tan máu. Theo các nhà dinh dưỡng, mỗi ngày ăn khoảng 10 g tỏi là vô hại. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng kiếm được tỏi tươi và ăn tỏi tươi hay để lại mùi hôi, do đó người ta thường chế biến thành các dạng khác.

Tỏi ngâm: có thể ngâm dấm hoặc ngâm đường. Trong môi trường axit, tác dụng của tỏi tăng gấp 4 lần nên dùng tỏi ngâm dấm là rất tốt. Cách chế biến: lấy 50 g tỏi tươi bóc vỏ rồi ngâm với 100 ml giấm gạo, sau chừng mươi ngày là dùng được, nếu để đủ 30 ngày thì càng tốt.

Tỏi ngâm đường: lấy 50 g tỏi đem ngâm nước trong 7 ngày, mỗi ngày thay nước một lần, sau đó bóc bỏ vỏ rồi ngâm với muối một lúc cho chảy hết nước. Hòa 800 g đường trắng trong một cái liễn miệng nhỏ với lượng nước chín vừa đủ, đổ tỏi vào ngâm trong 1 tháng là có thể ăn được. Tỏi ngâm đường có vị mặn ngọt, mùi thơm rất thú vị.

Rượu tỏi: có nhiều cách chế rượu tỏi.

- Lấy 25 g tỏi bóc vỏ, giã nát rồi đem ngâm với 100 ml rượu trắng, bịt kín miệng bình, để chỗ thoáng mát, sau 7 ngày là có thể dùng được, mỗi ngày uống 1-2 lần, mỗi lần 25-30 ml.
- Dùng một cái bình miệng hẹp hoặc một vò rượu, đổ tỏi đã bóc vỏ vào đầy chừng 7/10 bình, xen kẽ với tỏi, rải từng lớp đường phèn đã đập vụn, rót rượu trắng vào cho ngập tỏi. Bịt kín miệng bình, để chỗ râm mát, sau 30 ngày là có thể dùng được, để càng lâu càng tốt, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 25ml.

Trà tỏi: có thể chế biến theo 2 cách.

- Tỏi 15 g, sơn tra 30 g, thảo quyết minh 10 g. Tỏi bóc vỏ, rửa sạch, thái mỏng rồi đem hãm với nước sôi trong bình kín cùng với sơn tra và thảo quyết minh, sau 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng: hạ mỡ máu, chống béo phì, tiêu thực tích.

- Tỏi vỏ tím 10 g, kim ngân hoa 6 g, trà xanh 3 g, cam thảo 2 g. Tỏi bóc vỏ, giã nát rồi đem hãm với nước sôi trong bình kín cùng với kim ngân hoa, trà xanh và cam thảo, sau 15 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng: thanh nhiệt giải độc, thanh nhiệt trừ thấp.

Tỏi và các món ăn - bài thuốc

Bài 1: Tỏi 30 g, chim bồ câu 1 con. Chim bồ câu làm thịt, bỏ lông và nội tạng, rửa sạch cho vào bát cùng với tỏi đã bóc vỏ, cho đủ gia vị, chế thêm một chút rượu vang và nước trắng rồi đem hấp cách thủy, ăn nóng. Công dụng: bổ khí dưỡng huyết, ích tủy sinh tinh.

Bài 2: Tỏi 50 g, thịt dê nạc 250 g. Thịt dê rửa sạch, thái miếng, ướp gia vị, tỏi bóc vỏ đập giập. Cho dầu thực vật vào chảo đun cho nóng già, bỏ thịt dê vào xào chín tái, bỏ tỏi và các gia vị vừa đủ đun thêm một lát là được, ăn nóng. Công dụng: ôn thận tráng dương, bổ khí sinh tinh.

Bài 3: Tỏi 30 g, thịt yếm ba ba 250 g. Thịt yếm ba ba rửa sạch, cắt thành miếng bỏ vào đun sôi vài lần, vớt ra rồi đem rán qua, tỏi bóc bỏ vỏ, cho vào chảo rán qua cho có màu vàng non, tiếp đó cho thịt ba ba vào xào, chế thêm các gia vị như gừng, hành, muối, đường, một chút rượu và nước vừa đủ, dùng lửa nhỏ ninh trong 30 phút là được. Công dụng: tư âm bổ thận.

Bài 4: Tỏi 100 g, dạ dày lợn 1 cái, sa nhân 3 g. Dạ dày lợn rửa sạch, cho sa nhân và tỏi đã bóc vỏ vào trong, lấy chỉ khâu lại, cho vào nồi, chế thêm rượu, muối và nước lượng vừa đủ rồi hầm cho đến khi chín nhừ là được, cho thêm một chút mì chính, ăn nóng. Công dụng: bổ hư nhược, kiện tỳ vị.

Theo Sức Khỏe và Đời Sống

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm