Dùng sản phẩm “trắng răng, thơm miệng”: Lợi hỏng, răng hư

Sản phẩm giúp “trắng răng, thơm miệng” hiện được bán phổ biến trên thị trường. Tuy nhiên, không ít người đã phải cầu cứu bác sĩ nha khoa vì bị phỏng, viêm nướu, hư men răng khi dùng những sản phẩm này.

 

Trắng răng “thần tốc”?

 

Trắng răng “thần tốc”?

 

Sản phẩm “trắng răng, thơm miệng” chủ yếu là hàng ngoại, không chỉ được bán nhiều trong các cửa hàng mà còn có mặt ở các siêu thị. Tại một cửa hiệu trên đường Lạc Long Quân, P.5, Q.11, TPHCM, khi đưa ra một gói hình hộp chữ nhật có màu xanh, nhân viên ở đây “nổ”: “Có thể làm trắng cả răng nhiễm màu chỉ sau 2 giờ và chỉ dùng một lần duy nhất. Răng sẽ trắng bóng và giữ được từ ba-sáu tháng. Đặc biệt trong lúc dán, vẫn có thể uống nước bình thường”. Sản phẩm gồm hai miếng dán hàm trên và hàm dưới. Thoạt nhìn lớp gel dán như miếng băng keo cá nhân. Giá 580.000đ/hộp.

 

Hệ thống siêu thị chăm sóc sắc đẹp G. có nhiều loại “kem đánh răng trắng sáng”. Nơi đây còn có nhiều loại chỉ nha khoa có tác dụng trắng răng; miếng dán trắng răng… Trên nhãn phụ của một số loại kem có giới thiệu “loại bỏ mảng bám, ố vàng trên răng cho cả những người thường xuyên hút thuốc lá, uống trà, cà phê chỉ sau vài lần đánh; thường xuyên dùng, răng sẽ trở nên trắng bóng”. Nhân viên tại một cửa hàng trên đường Võ Văn Tần (Q.3) cho biết: “Khách hàng đến đây thường mua nhiều sản phẩm một lúc như kem đánh răng, kẹo, miếng ngậm… để kết hợp giúp tăng cao hiệu quả”.

 

Tại chợ Nguyễn Tri Phương (Q.10), khi thấy chúng tôi tìm sản phẩm chăm sóc răng miệng, chủ một quầy tạp hóa nhanh nhảu đưa ra một hộp kẹo chewing gum và giới thiệu: “Kẹo này người nhà chị xách tay từ Mỹ về, có tác dụng làm trắng răng rất nhanh; nhai nhiều thì răng càng trắng, nhai lúc nào cũng được, thích thì nhai”. Quầy tạp hóa này còn có các loại miếng ngậm giúp trắng răng, thơm miệng. “Cần gì đi tẩy trắng, nhai kẹo, dùng miếng ngậm, kem đánh răng… là răng trắng bóc”, người bán khẳng định.

 
Nhiều nguy hại

Nhiều nguy hại

 

Do răng bị sẫm màu, chị Vân Anh (Q.Gò Vấp) đã tìm mua và dùng miếng dán trắng răng. Sau khi dán hai ngày, môi và nướu của chị bị đau rát. Tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, các bác sĩ cho biết, chị bị bỏng môi và nướu do chất tẩy có trong miếng dán.

 

BS Tạ Thị Trúc Mai - Phòng Răng hàm mặt, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết: “Chúng tôi đã tiếp nhận một số trường hợp bị tác dụng phụ do tự ý sử dụng các sản phẩm làm trắng răng. Nhẹ thì đau buốt dài, bỏng nướu, bỏng môi… Nặng hơn thì bị viêm nướu, viêm tủy, hoại tử lợi”.

 

Theo các bác sĩ, các miếng dán, kem đánh răng, kẹo… làm trắng răng đều chứa chất tẩy. Tuy nhiên, các loại chất tẩy trắng không thể làm trắng răng nếu răng nhiễm màu. Ngay cả những sản phẩm được Bộ Y tế cho lưu hành cũng chưa hẳn có khả năng làm trắng răng và có nguy cơ bỏng nướu, hại men răng, hư răng nếu sử dụng bừa bãi. “Khi tự ý sử dụng các loại miếng dán, người dùng không thể dán đúng vị trí răng và không có gì để che chắn, chất tẩy tiếp xúc với môi, nướu sẽ dễ gây bỏng nướu, bỏng môi. Do trong miệng có nhiều vi trùng nên vết bỏng rất dễ bị nhiễm trùng”, BS Tạ Thị Trúc Mai khuyến cáo.

 

Các nha sĩ cho biết, những loại kem được quảng cáo làm trắng răng dùng cả cho người lớn lẫn trẻ em có nhiều nguy cơ cho trẻ: khả năng nuốt kem khi đánh răng là rất cao mà thành phần tẩy răng trong kem, nếu liên tục nuốt vào sẽ tạo nên nhiều tác động xấu đến hệ tiêu hóa còn non yếu của trẻ. Trẻ cũng sẽ bị nhiễm fluor vĩnh viễn, khiến màu sắc răng biến đổi, răng không trắng, ngược lại còn xỉn vàng hơn do hàm lượng fluor trong kem của người lớn thường khá cao.

 

Bên cạnh đó, trong các loại kẹo trắng răng, thơm miệng đều có thành phần aspartame, potassium acesulfame K. Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới, nếu sử dụng nhiều, liên tục, các chất siêu ngọt này có khả năng gây tổn hại đến hệ thần kinh trung ương, suy gan, suy thận; những người có cơ địa nhạy cảm sẽ bị đau đầu, chóng mặt, cứng gáy… sau khi sử dụng.

 

 Tẩy trắng răng đúng cách

 

"Thuốc tẩy trắng răng có hai hợp chất chủ yếu là carbamide peroxide và hydrogen peroxide. Khi tẩy tại phòng khám nha khoa, sau khi che nướu răng bằng vật liệu chuyên dụng, bác sĩ sẽ tẩy trắng bằng cách bôi thuốc lên mặt ngoài răng hoặc chiếu tia laser, plasma, led… Nếu muốn tẩy trắng tại nhà, bệnh nhân phải đến bác sĩ để lấy vôi răng, lấy dấu răng làm máng tẩy và thực hiện theo hướng dẫn cụ thể của bác sĩ. Điều quan trọng là trước khi tẩy trắng răng, bệnh nhân phải được bác sĩ khám để xem có mắc bệnh về răng miệng hay không, nếu có thì phải chữa khỏi mới có thể tiến hành tẩy trắng răng".

 

BS Tạ Thị Trúc Mai

 Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

 
Theo An Hà - Thanh Hoa

Phụ nữ TPHCM