Dùng rau, quả tươi sao cho an toàn?
Bằng cảm quan rất khó nhận biết rau nào là an toàn.
Ngộ độc từ rau, củ, quả là do một số yếu tố khi sử dụng vẫn còn vượt quá tiêu chuẩn cho phép như dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ; lượng vi sinh vật và ký sinh trùng (có trong phân tươi); đạm nitrat (NO-3); dư lượng các kim loại nặng (chì, thủy ngân, arsenic, kẽm, đồng…); đất, nguồn nước nơi trồng trọt bị ô nhiễm hoặc quá trình vận chuyển từ nơi này sang nơi khác kéo dài khiến thực phẩm bị dập nát, hư hại.
Và quan niệm cho rau nào có sâu là an toàn hoặc màu xanh đậm là nhiễm độc nitrat… thì không phải lúc nào cũng đúng vì các dư lượng thuốc trừ sâu, diệt cỏ, kim loại nặng đều không thể thấy rõ bằng mắt mà phải bằng thiết bị phân tích kỹ thuật cao.
Theo yêu cầu dinh dưỡng hợp lý, mỗi người cần khoảng 200 g-300 g rau đã nhặt sạch/ngày và trái cây ăn theo khả năng... Để giải quyết nhu cầu này, người tiêu dùng nên chọn thực phẩm ở nơi cung cấp uy tín, thực phẩm tươi mới, không dập nát.
Khi mua về, đầu tiên nhặt lá vàng úa, cắt rễ, rửa đất, cát, bùn dính rồi ngâm nước sạch hoặc nước muối loãng, nước pha ít thuốc tím khoảng 20 - 30 phút, tiếp tục rửa lại nhiều lần dưới vòi nước chảy. Khi luộc, nấu nên giở nắp vung cho thuốc trừ sâu bay bớt ra ngoài. Trong tình hình bệnh tiêu chảy lan tràn hiện nay tốt nhất là nên ăn chín, nấu sôi khi ăn rau, củ, quả các loại.
Theo Bác sĩ CK1 Đào Thị Yến Thủy
TT Dinh dưỡng TPHCM/NLĐ