Đưa trẻ bị hen đi nơi khác khi vệ sinh nhà cửa

(Dân trí) - Nước sơn, bụi bặm là yếu tố khởi phát kích thích cơn hen suyễn (hen phế quản). Khi dọn dẹp, sơn sửa lại nhà cửa phụ huynh nên đưa con đi nơi khác để bảo vệ bé khỏi lên cơn hen

Theo BS Lê Nguyễn Thanh Nhàn, BV Nhi Đồng 1, các bé bị hen suyễn rất nhạy cảm với bụi nhà, mùi nước sơn. Vì vậy, phụ huynh nên cho bé “tạm vắng nhà” trong lúc lau chùi hay sơn lại nhà cửa, đồng thời phải dùng thuốc đầy đủ theo hướng dẫn của bác sĩ và luôn chuẩn bị sẵn thuốc cắt cơn phòng khi cần sử dụng.

 

Ảnh minh họa


Ảnh minh họa

 

Nếu trẻ lên cơn hen cấp thì đưa trẻ ra không gian thoáng khí, nơi có không khí trong lành. Trẻ có dấu hiệu ho, khò khè, khó thở, thở nhanh…thì lập tức dùng thuốc cắt cơn hoặc thuốc xịt để cắt cơn suyễn. Những loại thuốc này đều có ở các nhà thuốc nhưng chỉ hiệu quả khi dùng đúng liều lượng vì vậy phụ huynh phải “đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng” và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất khi trẻ lên cơn hen cấp nặng.

 

Có nhiều nguyên nhân gây bộc phát cơn hen cho trẻ như dị ứng, tiếp xúc với hóa chất trong không khí, thời tiết thay đổi, viêm nhiễm đường hô hấp, vận động mạnh…. Mỗi lần lên cơn là mỗi khi tính mạng trẻ bị đe dọa. Vì thế, cần phòng ngừa cho trẻ bị hen suyễn bằng cách:

 

- Luôn mang thuốc cắt cơn theo trẻ, trong cặp đi học, túi áo quần, chỗ ngủ và tái khám thường xuyên để theo dõi chuyển biến bệnh.

 

- Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như bụi nhà, các mùi nồng nặc từ sơn nước, nước hoa, chất tẩy rửa, lông vật nuôi trong nhà…

 

- Tránh vận động, chạy nhảy, cười quá mức

 

- Hạn chế dùng các thực phẩm hay gây dị ứng như đồ biển, lòng trắng trứng, bột ngọt, đồ hộp, một số loại trái cây (chuối, thơm), ngũ cốc (đậu phộng, đậu nành)

 

- Với trẻ bị hen suyễn, cần tái khám và kiểm tra định kỳ. Nên đến các bác sĩ chuyên khoa nhi, tuyệt đối không nghe theo mách bảo của những người không có chuyên môn, nhất là không có kinh nghiệm hen suyễn ở trẻ em.

 

Như Thư