Đốt hay mổ trong ung thư tuyến giáp?

Khi bị ung thư tuyến giáp, bệnh nhân sẽ được cắt sạch 1 thùy có u, nếu u nhỏ, chưa di căn hạch. Sẽ cắt toàn bộ tuyến giáp nếu u to, có di căn hạch sau đó uống xạ để diệt nốt tế bào ung thư, tránh di căn xa.

Dù đốt bằng tiêm cồn, tiêm nước sôi, sóng RF, sóng siêu âm... cũng không bao giờ đốt được hết các khối u, vì u và tuyến giáp nằm cạnh thần kinh thanh quản, khí quản, thực quản, nếu đốt quá tay thì tai biến và biến chứng xảy ra rất nguy hiểm cho người bệnh.

Kỹ thuật đốt mới được thử nghiệm ở Việt Nam vì nhiều người bệnh sợ mổ, người đốt chưa có nhiều kinh nghiệm, nhiều người là bác sĩ siêu âm, bác sĩ nội được tập huấn để đốt, khi xảy ra tai biến chảy máu, nhiễm trùng, tổn thương thần kinh thanh quản, thực quản, khí quản thì lại phải chuyển cho bác sĩ khác điều trị.

Trước khi đốt vẫn phải gây tê, tai biến do ngộ độc, dị ứng với thuốc tê không phải là ít, nếu xảy ra cũng rất nguy hiểm. Chi phí có mỗi lần đốt vài chục triệu đồng và phải đốt nhiều lần. Đã có rất nhiều bệnh nhân đi đốt u giáp, đặc biệt là chưa loại trừ được ung thư tuyến giáp, sau đốt u chỉ giảm chút ít về kích thước, nhưng sau đó đi siêu âm vẫn còn u, hình ảnh siêu âm sau đốt xấu, không phân biệt được là do đốt hay là hình ảnh ung thư, và vì thế bệnh nhân lại đi siêu âm nơi khác so sánh, hằng năm đi chọc tế bào, vừa tốn kém, vừa thêm lo.

Người bệnh lưu ý, nếu u lành thực sự và không gây cường giáp hay suy giáp thì không cần phải uống thuốc, không cần phải mổ, không cần phải đốt.

ThS.BS Mai Văn Sâm, Đại học Y Hà Nội
Theo Khoahocdoisong.vn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm