1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Đối mặt với "dịch" đái tháo đường

(Dân trí) - Đái tháo đường (ĐTĐ) ở Việt Nam trong những năm gần đây đang phát triển với tốc độ như một dịch bệnh, PGS.TS Tạ Văn Bình, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết T.Ư khẳng định.

42% bệnh nhân phải cắt cụt chân do biến chứng

Theo thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới, trung bình mỗi ngày có 8.700 người chết, mỗi năm có hơn 3,2 triệu người tử vong vì ĐTĐ. Cứ 30 giây trên thế giới lại có một người bị đái tháo đường có biến chứng phải cắt cụt chân (mỗi năm có trên 1 triệu ca). Tỷ lệ biến chứng của bệnh nhân là 100% sau 15 năm, 80% sau 10 năm. Tuổi thọ trung bình của người bệnh đái tháo đường tuýp 2 thấp hơn nguời không mắc bệnh từ 5 - 10 năm, ngoài ra họ còn mất thêm 10 năm “sống lý tưởng”.

Hiện thế giới có khoảng 180 triệu người mắc và con số này sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2030. Không chỉ có vậy, căn bệnh này còn trở thành lực cản của sự phát triển, gánh nặng cho toàn xã hội khi mà mỗi năm thế giới phải chi số tiền khổng lồ từ 232 tỉ đến 430 tỉ USD cho việc điều trị và phòng chống căn bệnh này.

PGS.TS Tạ Văn Bình cũng cho biết: Tại Việt Nam, bệnh đái tháo đường đang phát triển với tốc độ rất nhanh trong khoảng 7 năm trở lại đây. Chỉ tính từ 2003 đến nay, số người mắc bệnh đã tăng gấp đôi, nâng tổng số người mắc bệnh lên 4,5 triệu người. Điều đang lo là 65% người bệnh không biết mình mắc bệnh. Có tới 42% bệnh nhân bị biến chứng phải cắt chân; 80% mắc thêm các bệnh liên quan đến tim mạch.

Độ tuổi mắc bệnh cũng ngày càng được trẻ hoá từ 45 - 64, tập trung nhiều ở khu vực thành thị với tỉ lệ 4%, nông thôn là 2,5%.

ĐTĐ còn kéo theo hệ lụy về chi phí, khi đã có biến chứng thì số tiền bệnh nhân phải bỏ ra để điều trị lên tới gần 20 triệu đồng.

Gây ra những hậu quả khủng khiếp như vậy nhưng hiện ở nước ta công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân ĐTĐ cực kỳ thiếu và yếu. Cả nước có hàng triệu người bị mắc bệnh, trong khi đó chỉ có 0,97 giường bệnh/100.000 dân và theo thống kê, chỉ có 86 bác sĩ được là qua đào tạo chính quy về nội tiết ĐTĐ.

“Các chương trình hỗ trợ về bệnh ĐTĐ hiện chủ yếu là các dự án nâng cao năng lực, tuyên truyền, bổ sung kiến thức... và điều này là chưa đủ. Cần phải có chương trình hành động Quốc gia với những giải pháp đủ tầm cho căn bệnh này”, TS Bình nói.

Đối với ĐTĐ tuýp 1 (trẻ em), quá trình gây bệnh là quá trình huỷ hoại các tế bào beta của đảo tuỵ langerhans khiến người bệnh thiếu hoặc không còn insulin trong máu.

Đối với tuýp 2 (người lớn) bệnh thường bắt nguồn từ khiếm khuyết gen như: khiếm khuyết chức năng tế bào beta do gen, giảm hoạt tính của insulin do khiếm khuyết gen, rối loạn quan hệ giữa gen và môi trường, hoặc có người thân cận mắc bệnh đái tháo đường. Đây là căn bệnh cần phát hiện sớm để điều trị.

Ăn nhiều, ít vận động dễ mắc đái tháo đường

Cũng theo TS Bình, một trong những nguyên nhân chính khiến nguy cơ mắc bệnh gia tăng là do sự mất cân bằng trong việc cung cấp và tiêu hao năng lượng của mỗi cá thể. Nói cách khác đó chính là sự thay đổi quá nhanh về lối sống, nghiêng về phía tăng thu nhận, giảm sự tiêu hao năng lượng, dẫn đến rối loạn chuyển hoá.

Tuy nhiên, triệu chứng ban đầu của bệnh thường rất bình thường, khó phát hiện như, rụng tóc từng đợt, lung lay răng từng đợt, hoa mắt từng đợt… Bệnh nhân thường chỉ phát hiện bệnh khi bị đột quỵ hoặc lở loét chân tay.

Nếu căn cứ vào triệu chứng bệnh thì rất khó vì chúng ta không có bác sĩ gia đình hay bác sĩ cá nhân theo dõi thường xuyên. Vậy nên cách tốt nhất là mỗi người nên dựa vào độ tuổi và chỉ số khối cơ thể (BMI) để xác định nguy cơ và đi kiểm tra sức khoẻ. Khi chỉ số khối cơ thể (khối lượng cơ thể chia cho bình phương chiều cao, đơn vị kg và m) lớn hơn 22,5 tức là đã có nguy cơ mắc đái tháo đường.

Đối với người từ 40 tuổi trở lên có 2 yếu tố nguy cơ (gia đình có tiền sử mắc bệnh và khiếm khuyết gien) thì 6 tháng nên đi kiểm tra 1 lần. Với người trên 45 tuổi thì chỉ có 1 yếu tố nguy cơ trên cũng nên đi khám 3 tháng 1 lần.
 
P. Thanh - Dương Tử