Dự trữ, lưu thông thuốc quốc gia:
Doanh nghiệp không mặn mà!
(Dân trí) - Việc tham gia dự trữ thuốc quyết định nhiều đến sự bình ổn giá thuốc. Tuy nhiên, nhiều đơn vị không mặn mà vì thuốc dự trữ thường không đem lại lợi nhuận, thậm chí lỗ vốn. Vì thế, có doanh nghiệp dù đã trúng thầu nhưng lại “xù”, không cấp thuốc cho bệnh viện.
Ngại tham gia vì lỗ vốn
Đại diện Công ty Dược phẩm T.Ư 1 cho rằng: Dù biết rõ vai trò của việc dự trữ, lưu thông thuốc quyết định rất nhiều đến sự ổn định của thị trường thuốc nhưng với cơ chế như hiện nay, hỗ trợ 100% lãi vay căn cứ số lượng các mặt hàng thuốc tồn kho hàng tháng là chưa khuyến khích doanh nghiệp tham gia dự trữ, lưu thông thuốc.
Ngoài ra, cả hai đại diện của Dược phẩm T.Ư 1 và 2 đều cho rằng, trong tình hình chi phí của các yếu tố đầu vào tăng cao nên một số doanh nghiệp kinh doanh thuốc đã trúng thầu từ chối cung cấp và chịu phạt hợp đồng bởi nếu tiến hành cung ứng cho bệnh viện với giá thấp hơn giá thị trường sẽ phải bù lỗ.
Đặc biệt, theo phản ánh của đại diện công ty Dược T.Ư 3 thì tình trạng doanh nghiệp thiếu vốn vay kinh doanh thuốc do Ngân hàng thương mại không tạo điều kiện và lãi vay ngân hàng tăng cao đến nay 1,75%/ tháng. Rồi lại phải bù lỗ khi cung ứng thuốc... nên nhiều doanh nghiệp không mặn mà lắm với nhiệm vụ lưu trữ và cung ứng thuốc. Đây cũng là lý do mà nhiều doanh nghiệp dù đã trúng thầu cung cấp thuốc cho bệnh viện, sau đó lại ”xù” và chấp nhận nộp phạt còn hơn là tiếp tục nhiệm vụ.
Vai trò bình ổn giá chưa cao
Ngoài những nguyên nhân trên, theo đại diện của các công ty cung ứng thuốc, chính danh mục thuốc dự trữ lưu thông chưa phù hợp với thực tế hiện nay nên hầu hết các công ty đều không dự trữ đủ. Như tại công ty Dược T.Ư 2 mới dự trữ 63/204 (tương ứng 30,88%) hoạt chất.
Những bất hợp lý trong danh mục dự trữ thuốc hiện nay, theo các công ty Dược, đó là tập trung vào các thuốc chuyên khoa đặc trị, có tần suất sử dụng ít; tập trung vào các thuốc độc, thuốc gây nghiện... là những mặt hàng ít biến động về giá.
Không có nhóm thuốc chiếm tỷ trọng cao trên thị trường như nhóm kháng sinh, vốn là loại có giá biến động trong thời gian qua nên vai trò bình ổn giá thuốc chưa cao. Thuốc chuyên khoa đặc trị có tần suất sử dụng ít dẫn đến tồn kho, hết hạn nên doanh nghiệp ngại nhập có thể gây thiếu thuốc cục bộ...
Vì thế, để làm tốt hơn công tác dự trữ, lưu thông thuốc, góp phần bình ổn giá thuốc quốc gia, các doanh nghiệp này cho rằng cần có văn bản hướng dẫn xác định cách tính bù lỗ cho doanh nghiệp được quy định tại Quyết định số110/2005/QÐ- TTg. Cần có biện pháp can thiệp để ngân hàng đảm bảo vốn vay cho doanh nghiệp tham gia dự trữ, lưu thông thuốc.
Nhất là phải tiến hành sửa đổi, bổ sung danh mục thuốc dự trữ, lưu thông thuốc căn cứ vào tình hình mới hiện nay và theo danh mục hoạt chất. Cho phép dự trữ nguyên liệu dùng để sản xuất những mặt hàng sử dụng nhiều có điều chỉnh giá trong thời gian qua như Cephalexin Monohydrate compact; Amoxycillin Trihydrat compact; Ampicillin Trihydrate, Vitamin C...
Trước những băn khoăn này của các doanh nghiệp, ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược khẳng định, việc đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho các cơ sở khám chữa bệnh và bình ổn thị trường dược phẩm là nhiệm vụ rất quan trọng. Trong giai đoạn 2005 - 2008, tất cả hoạt chất dự trữ là 120 hoạt chất tương ứng khoảng 1.200 mặt hàng thuốc lưu hành trên thị trường tham gia dự trữ, lưu thông ổn định về giá.
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia
Ông Cường cũng khẳng định, số lượng hoạt chất thực tế tham gia dự trữ lưu thông chưa cao (120/204 hoạt chất) chiếm 58,82% so với tổng danh mục thuốc dự kiến vì như phản ánh của doanh nghiệp, đó là danh mục thuốc dự trữ, lưu thông không còn phù hợp với thực tế hiện nay.
Vì thế, Cục Quản lý Dược sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ cho phép sửa đổi, bổ sung danh mục hoạt chất tham gia Kế hoạch dự trữ lưu thông thuốc quốc gia theo hướng: danh mục tham gia dự trữ, lưu thông theo tên khoa học và mở rộng hoạt chất mà thời gian gần đây có biến động về giá, các hoạt chất được sử dụng nhiều tại cơ sở điều trị; Đề xuất dự trữ nguyên liệu sản xuất các mặt hàng thuốc chiếm tỷ trọng cao trên thị trường có biến động giá trong thời gian qua như Cephalexin Monohydrate compact; Amoxycillin Trihydrat compact; Ampicillin Trihydrate...
Sẽ đề nghị lãnh đạo Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đảm bảo đủ ngoại tệ theo quy định. Đồng thời sẽ phối hợp Bộ Kế hoạch - Ðầu tư, Bộ Tài chính phối hợp xây dựng văn bản cho phép điều chỉnh giá thuốc đã trúng thầu năm 2008 phù hợp mặt bằng chung giá thị trường hiện nay.
Tú Linh