Đoản mệnh vì điều trị chuyển giới?
Nói đến chuyển giới tính, không thể không nhắc tới những cuộc tranh luận ồn ào liên quan đến những tin đồn: do tác động của thuốc nội tiết và phẫu thuật, những người chuyển giới sẽ rất yếu, dễ mắc bệnh tật, chỉ sống được 15-20 năm sau mổ… Sự thật thế nào?
Điều trị chuyển giới tính bằng nội tiết có an toàn?
Cô giáo Phạm Lê Quỳnh Trâm, người đã chuyển giới tính ở Thái Lan và được cơ quan chức năng Việt Nam cho phép xác định lại giới tính từ nam thành nữ. Ảnh: nhân vật cung cấp.
Đã có nhiều báo cáo về tác hại của điều trị, nhất là điều trị nội tiết lên những người chuyển giới. Cho tới nay, có hai báo cáo đáng chú ý về vấn đề này. Một là của GS Moore, đại học Johns Hopkins ở Hoa Kỳ công bố năm 2003 trên tạp chí khoa học Journal of Clinical Endocrinology & Metabolism, và một báo cáo của GS Gooren, Hà Lan, năm 2007, cũng đăng trên tạp chí này. Báo cáo của GS Moore tổng kết các nghiên cứu đã công bố trên thế giới, còn báo cáo của GS Gooren là tổng kết 21 năm điều trị chuyển giới của đơn vị Giới tính (gender team), bệnh viện đại học Amsterdam, trung tâm mạnh nhất của thế giới chuyên về điều trị chuyển giới. Trung tâm này bắt đầu nhận điều trị chuyển giới từ năm 1975. Tính tới năm 2006, trung tâm này đã điều trị chuyển giới tính cho 3.112 người: 876 người nữ – thành – nam và 2.236 người nam – thành – nữ, một con số rất lớn. Năm 2007, GS Gooren và các học trò đã tổng kết tất cả các trường hợp này để xem ảnh hưởng của thuốc nội tiết lên cơ thể và tuổi thọ của những người chuyển giới ra sao. Những người này đều được điều trị theo đúng phác đồ của hội Chuyên ngành thế giới về chuyển giới tính (World Professional Association for Transgender Health). Theo kết quả được công bố thì việc điều trị chuyển giới tính bằng nội tiết là an toàn, không làm thay đổi tuổi thọ của người chuyển giới.
Nói như vậy không có nghĩa những người chuyển giới dùng thuốc nội tiết không bị trục trặc gì. Vấn đề là: những người này được điều trị đúng phác đồ, được các chuyên gia hàng đầu chuyên về nội tiết sinh dục theo dõi chặt chẽ nên nếu có trục trặc, họ sẽ được điều chỉnh kịp thời. Đó là điểm khác biệt rất lớn giữa những người này với người tự dùng thuốc. Khi tự điều trị, họ sẽ không biết được dạng thuốc nội tiết nào là tốt, liều lượng thuốc như thế nào là phù hợp, cần điều chỉnh gì khi có trục trặc. Vì thế nếu chẳng may họ có bị “tổn thọ” thì lý do là do dùng thuốc sai và không được bác sĩ giỏi về thuốc nội tiết sinh dục chăm sóc. Chẳng hạn, việc dùng thuốc nội tiết tố nữ dạng uống ethinyl estradiol có thể làm thuyên tắc tĩnh mạch do huyết khối (gây đột tử), nên dạng thuốc này không còn được sử dụng. Điều trị chuyển giới giống như điều trị một bệnh mạn tính (như bệnh cao huyết áp, bệnh mỡ máu cao…) mà muốn an toàn thì người bệnh phải được bác sĩ chuyên khoa kê toa thuốc, theo dõi định kỳ, điều chỉnh liều lượng.
Vấn đề kế tiếp là người đã chuyển giới không nên quên cái “gốc” của mình vẫn là nam (nếu là nam – thành – nữ) hoặc nữ (nếu là nữ – thành – nam). Nghĩa là họ có thể bị những bệnh đặc thù của nữ giới và cả những bệnh riêng của nam giới. Ví dụ, người nam – thành – nữ vừa có thể bị ung thư vú, vừa có thể bị những bệnh “trời ơi” như ung thư tuyến tiền liệt của nam giới khi họ lớn tuổi. Hay các chàng trai nữ – thành – nam vẫn có thể một ngày nào đó phải vào bệnh viện… Từ Dũ để điều trị ung thư buồng trứng hay ung thư tử cung (nếu như họ chưa đi cắt bỏ các bộ phận gốc nữ này).
Phẫu thuật chuyển giới tính có nguy hiểm?
Liệu phẫu thuật có làm người chuyển giới chết sớm không? Câu trả lời là “Không” vì các phẫu thuật điều trị chuyển giới đều là những phẫu thuật “hiền”, ít nguy cơ, nguy cơ thất bại thì có chứ nguy cơ tử vong thì không. Bác sĩ chỉ mổ những bộ phận lồ lộ bên ngoài như vú, dương vật… chứ không can thiệp trên những cơ quan có nguy cơ dẫn đến tử vong như gan – ruột, tim – phổi, não, ngoại trừ phẫu thuật cắt bỏ tử cung và hai buồng trứng cho người nữ – thành – nam. Để cắt được các bộ phận nữ giới này, bác sĩ phải mổ bụng bệnh nhân, hoặc mổ hở như xưa kia, hoặc mổ nội soi. Cho dù mổ nội soi ngày nay rất an toàn nhưng vẫn có thể gây tai biến nặng như thủng ruột, thủng nội tạng…
Người chuyển giới có sinh con được?
Người chuyển giới muốn có con thì phải có con trước khi điều trị chuyển giới. Thỉnh thoảng trên báo chí có nói về người này người kia, đã có gia đình, có con cái, rồi đi chuyển giới. Hoặc nếu chưa có gia đình, chưa có con mà muốn có con của chính mình thì về mặt lý thuyết, trước khi điều trị chuyển giới, họ có thể gởi tinh trùng, gởi trứng vô ngân hàng chuyên khoa, rồi sau này có con bằng thụ tinh trong ống nghiệm với một người mang thai hộ (lưu ý là luật Việt Nam không cho phép mang thai hộ).
Một khi đã điều trị chuyển giới rồi, người nam – thành – nữ do không còn tinh hoàn nữa nên không truyền giống được, còn âm đạo nhân tạo chỉ giúp họ quan hệ tình dục chứ không thể sinh đẻ vì không có tử cung. Đối với người nữ – thành – nam, dương vật của họ dù có thể cương không mệt mỏi nhưng đâu có tinh trùng, tinh dịch xuất ra để làm ai đó có bầu được. Nếu họ chưa đi cắt tử cung và buồng trứng thì cả hai bộ phận này đều teo đét chẳng thể mang thai được.
Cindy Thái Tài: “Sức khoẻ vẫn tốt”
Năm 2002, sau những đắn đo, tôi quyết định sang Thái Lan để tìm lại đúng con người mình. Gọi là chuyển giới thì không đúng, mà đó chỉ là một cuộc phẫu thuật tìm lại con người thật mà thôi. Sau phẫu thuật, tôi may mắn không gặp bất cứ trở ngại gì về sức khoẻ, cơ thể phát triển tốt.
Một phần do bác sĩ phẫu thuật cho tôi là một chuyên gia giỏi nhất nhì Thái Lan, phần còn lại do tôi biết cách tiết chế điều độ trong ăn uống, không bia rượu, chất cồn, và tập thể dục đều đặn hàng ngày. Hàng năm hoặc đôi ba tháng, tôi vẫn sang Thái Lan để tái khám, kiểm soát kỹ lưỡng sức khoẻ của mình.
Hương Giang, thí sinh cuộc thi Việtnam Idol: “Sống lành mạnh vẫn thọ”
Mất khoảng nửa năm sau khi phẫu thuật chuyển đổi giới tính tôi mới bình phục. Giọng nói và tiếng hát của tôi không bị ảnh hưởng vì vốn trước đó chất giọng đã được định hình như vậy. Lúc đầu tôi cũng lo bộ phận thanh quản sẽ bị ảnh hưởng sau khi phẫu thuật nhưng sau đó mọi sự vẫn tốt, cũng từ đó tôi chưa từng phải đi tái khám sau phẫu thuật.
Có người cho rằng nếu phẫu thuật chuyển giới tính thì tuổi thọ người đó sẽ ngắn dần. Theo các bác sĩ thì đó là thông tin không chính xác. Vì nếu có lối sống lành mạnh thì vẫn rất thọ, còn sống buông thả thì người bình thường cũng có thể giảm thọ. |
Theo TS.BS Nguyễn Thành Như
Sài Gòn tiếp thị