TPHCM:

Điều trị y tế tư, 40% bệnh nhân lao “đứt gánh”

(Dân trí) - Không mặn mà với chương trình chống lao Quốc gia, nhiều bệnh nhân chuyển sang điều trị tại các cơ sở y tế tư nhân. Song chi phí điều trị cao khiến gần 40% người bệnh bị “đứt gánh giữa đường”, nguy cơ lao kháng thuốc gia tăng.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế thành phố cho biết, Việt Nam đang xếp thứ 12 trong số 22 quốc gia trên có gánh nặng về bệnh lao trên thế giới và là nước thứ 14 trong số 27 nước có gánh nặng về lao đa kháng thuốc cao. Ước tính mỗi năm có hơn 100.000 trường hợp mắc lao đăng ký điều trị trên cả nước.

Việt Nam vẫn chưa thể đẩy lùi được gánh nặng bệnh lao
Việt Nam vẫn chưa thể đẩy lùi được gánh nặng bệnh lao

TPHCM là địa phương chiếm từ 13-15% bệnh nhân lao của cả nước. Thành phố vẫn chưa thể giải quyết được triệt để gánh nặng bệnh lao ở người nhiễm HIV, lao kháng thuốc, bệnh nhân lao là học viên trong các trường cai nghiện, các trại giam, các trung tâm nuôi dưỡng người già trẻ em…

Mặc dù chương trình chống lao quốc gia hỗ trợ điều trị miễn phí cho người bệnh, mạng lưới chương trình phủ khắp từ trung ương đến tuyến phường xã nhưng vẫn có tới 30% bệnh nhân mắc lao nằm ngoài mạng lưới.

Phân tích của BS Trần Ngọc Bửu, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cho thấy, nhiều người bệnh vẫn chọn cách trả tiền để điều trị tại cơ sở y tế tư nhân thay vì điều trị miễn phí tại cơ sở y tế công. Người mắc bệnh lao thường có xu hướng không muốn để cộng đồng biết nên việc đến bệnh viện tư giúp họ đảm bảo được yếu tố “bí mật” và có điều kiện chăm sóc tốt hơn.

Bệnh nhân mắc lao đa số trong độ tuổi lao động, tại TPHCM rất đông trong số đó là dân nhập cư ban ngày phải lo mưu sinh. Việc cơ sở y tế công chỉ hoạt động trong giờ hành chính đã phần nào gây khó khăn cho người bệnh đến điều trị. Bên cạnh đó, cách hành xử như ban ơn của không ít nhân viên y tế khi phát thuốc khiến người bệnh không hài lòng.

Vì những nguyên nhân khác nhau không ít người bệnh đã đến điều trị tại các cơ sở y tế tư nhân. Tuy nhiên, thống kê của TPHCM cho thấy gần 40% bệnh nhân ở các cơ sở y tế tư nhân bỏ điều trị giữa chừng. Thực tế trên khiến tình trạng lao đa kháng thuốc trở nên trầm trọng, nguy cơ lây nhiễm lao trong cộng đồng luôn ở mức cao.

Sở Y tế thành phố đã lên kế hoạch phối hợp y tế công – tư trong công tác chống lao giai đoạn từ nay đến năm 2016 trên địa bàn. Sự liên kết của mạng lưới y tế sẽ giúp kiểm soát hết bệnh nhân lao trong cộng đồng, góp phần đẩy lùi và thanh toán bệnh lao.

Vân Sơn