Dịch cúm hoành hành tại nhiều tỉnh thành
(Dân trí) - Bình Định thành lập 2 bệnh viện dã chiến; phát hiện ổ cúm lớn ở 1 doanh trại quân đội đóng tại Đồng Nai; gần 2.000 học sinh của một trường tại Kon Tum nghỉ học vì có học sinh nhiễm cúm.
Bình Định: Thành lập 2 bệnh viện dã chiến chống cúm A/H1N1
Báo cáo nhanh của lãnh đạo Sở Y tế cho biết, đến thời điểm này, đã có 2 bệnh viện dã chiến cấp 1 được thành lập tại Trường Quân sự Quân đoàn 3 (huyện Phù Cát) và Trường THPT Quang Trung (huyện Tây Sơn).
Ổ dịch cúm tại Trường Quân sự Quân đoàn 3 đã có 248 ca nghi ngờ được cách ly điều trị và 9 ca được xác định nhiễm cúm A/H1N1.
Trường THPT Quang Trung cũng đã trở thành bệnh viện cấp 1 với 108 học sinh có các biểu hiện nghi ngờ cúm A/H1N1. Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) khu vực Phú Phong đã cử bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên phục vụ và bảo vệ trực; đồng thời, lấy mẫu xét nghiệm 7 trường hợp.
Trong khi đó, số ca nghi nhiễm cúm A/H1N1 vẫn tiếp tục tăng ở các bệnh viện, tập trung chủ yếu ở học sinh. Bác sĩ Trương Quang Đạt, Giám đốc BVĐK khu vực Phú Phong, cho biết: Đến chiều 18/9, Bệnh viện tiếp tục điều trị cách ly gần 100 trường hợp học sinh nghi nhiễm, nâng số ca nghi nhiễm và dương tính tại đây lên đến 156 ca chỉ sau vài ngày xuất hiện dịch trên địa bàn huyện.
Còn ở TP Quy Nhơn, đại diện Ủy ban thành phố, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn cho biết, đến sáng 18/9, đã có thêm 14 trường học với 203 trường hợp là học sinh bị nhiễm và nghi nhiễm cúm A/H1N1.
Hiện tại, khoa Bệnh nhiệt đới, BVĐK tỉnh, cũng đang điều trị cách ly 86 trường hợp nghi nhiễm, 15 ca dương tính, trong đó: THPT Chu Văn An 24 ca (5 dương tính), THPT Trưng Vương 10 ca (2 dương tính), THPT Trần Cao Vân 10 ca (4 dương tính), THPT Nguyễn Thái Học 12 ca (3 dương tính), THCS Lê Lợi 10 ca, THCS Ngô Văn Sở 12 ca, THCS Đống Đa 2 ca (1 dương tính), Đại học Quy Nhơn 4 ca, Tiểu học Ngô Mây 1 ca và Công an huyện An Nhơn 1 ca.
Đồng Nai: Phát hiện ổ cúm A/H1N1 trong doanh trại
Ngày 18/9, BS Từ Thanh Chương, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết, một ổ dịch cúm lớn tại Trạm ra đa 51, thuộc Trung đoàn 935, Sân bay Biên Hòa, thuộc P.Tân Phong, thành phố Biên Hòa.
BS Chương cũng cho biết, hiện đã có 82 trường hợp có biểu hiện ho sốt, trong đó 20 người được gửi đến bệnh viện để lấy mẫu xét nghiệm. Theo thông tin ban đầu, hiện đã có 4 ca có kết quả xét nghiệm PCR dương tính với cúm A/H1N1 và hiện sức khỏe các ca nhiễm đều ổn định.
Ngay khi phát hiện những ca nghi nhiễm tại trạm vào ngày hôm trước, đã có 2 ca đầu tiên được xác định dương tính với cúm A/H1N1, Trung tâm Y tế Dự phòng (TTYTDP) Tỉnh Đồng Nai đã can thiệp hỗ trợ và hướng dẫn đơn vị này trong việc phòng chống dịch qua việc vệ sinh, khử khuẩn môi trường xung quanh doanh trại nhằm ngăn chặn sự lây lan. Do đây là đơn vị quân đội nên đơn vị quân y trực thuộc Bộ Quốc phòng là Bệnh viện 7B (Quân khu 7) và TTYTDP Quân đội phía Nam sẽ trực tiếp theo dõi, điều trị ngay tại chỗ, BS Lê Trọng Ngưỡng, Giám đốc TT Y tế dự phòng Tỉnh Đồng Nai cho biết.
Nhưng theo BS Từ Thanh Chương, việc cung cấp thuốc Tamiflu cho đơn vị vừa nhiễm cúm này gặp khó khăn do nguồn thuốc Tamiflu tại Đồng Nai sắp hết, trong khi số ca nhiễm cúm trên toàn tỉnh đang gia tăng rất nhanh.
Hiện ngành y tế Đồng Nai cũng đã cung cấp cho trạm ra đa này một số thuốc cùng các trang bị phòng chống cúm gồm 70 kg Cloramine B, 2.500 khẩu trang đã cung cấp trước đó thường, 200 khẩu trang N95 và 200 bộ đồ bảo hộ phòng chống dịch.
Kon Tum: Gần 2.000 học sinh phải nghỉ học!
Sáng ngày 18/9, sau khi nhận được thông báo có một học sinh của trường bị nhiễm cúm A/H1N1, Ban Giám hiệu trường Trung học cơ sở-Thực hành sư phạm Lý Tự Trọng đã quyết định cho học sinh của trường nghỉ học 01 ngày thứ sáu (18/9) để ngành y tế tiến hành khử độc, phun thuốc và nhà trường tổ chức vệ sinh các phòng học.
Thầy hiệu trưởng Dương Công Hòa cho biết: nhà trường đang phối hợp tích cực với ngành chức năng lấy danh sách những học sinh và gia đình gần gũi tiếp xúc với học sinh bị nhiễm cúm để theo dõi hàng ngày. Thứ bảy (19/9) trường sẽ hoạt động trở lại bình thường, tuy nhiên tất cả gần 2.000 học sinh đều phải đeo khẩu trang khi đến lớp!
Theo cô giáo Lê Thị Hợi, Chủ nhiệm lớp 7D, nơi em Trương Quang Nghĩa đang học cho biết: Em Trương Quang Nghĩa từ hôm đi chơi ở Nha Trang với gia đình về (4/9) vẫn đi học bình thường, chỉ có ngày hôm qua (17/9) gia đình xin phép cho em nghỉ học và đến chiều cùng ngày thì nhận được thông báo của ngành y tế là em bị nhiễm cúm A/H1N1.
Chúng tôi đã trao đổi với bác sỹ Trần Văn Bình, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y Tế Kon Tum về việc ngày mai (19/9) gần 2.000 học sinh của trường Lý Tự Trọng đều phải mang khẩu trang y tế đến trường, chưa tính các trường khác cũng "đổ xô" đi mua khẩu trang…thì học sinh có được cấp không thu tiền hay phải tự mua? Nếu mua thì mua ở đâu, ai bán? Thì ông Bình lúng túng không trả lời được và trả lời chung chung là mua ở Công ty Dược và các cửa hàng thuốc Tây(!?).
Còn Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Dược-Vật tư Y tế Kon Tum, ông Nguyễn Văn Hòa: Hiện trong kho của Công ty chỉ có 7.000 khẩu trang giấy (loại 3.000đồng/cái) và khoảng 850 khẩu trang than hoạt tính (loại 15.000đồng/cái).
Toàn tỉnh Kon Tum khi bước vào năm học mới 2009-2010 có gần 124.000 học sinh từ mầm non đến THPT, trong đó riêng ở thành phố Kon Tum chiếm gần 1/2 (chưa tính số sinh viên các trường THCN, cao đẳng và đại học đóng chân tại địa bàn thành phố), do đó với lượng khẩu trang như trên thì quả là…đáng suy nghĩ!
TPHCM: Chuẩn bị công tác điều trị khi cúm A/H1N1 bùng phát
Tại buổi họp giao ban các giám đốc bệnh viện chiều ngày 18/9, đã có 3 vấn đề về công tác điều trị cúm A(H1N1) được đưa ra nhằm chuẩn bị cho giai đoạn dịch bùng phát như chuẩn bị nhân lực, địa điểm để tập trung điều trị tại từng địa phương. Hay việc chọn và dùng thuốc cho bệnh nhân cách phù hợp, không để bị chậm hay lờn thuốc và chuẩn bị một dự thảo cho công tác điều trị bệnh nhân cúm tại nhà.
BS Phan Văn Báu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, việc diễn tập là rất cần thiết bởi có 2 lý do: một số bệnh viện (BV) chưa tiến hành diễn tập phòng chống cúm nên lúng túng về “mọi mặt” khi có bệnh nhân cúm; thêm nữa, bắt đầu từ bây giờ sẽ hạn chế việc thành lập bệnh viện dã chiến tại các trường học cũng như các xí nghiệp, dù có nhiều ca nhiễm cúm.
Ngoài việc mỗi bệnh viện có khu cách ly với khoảng 5 giường, SYT thành phố khuyến cáo các BV cần có kế hoạch trưng dụng một địa điểm nào đó ở địa phương mình để tập trung điều trị khi dịch bùng phát.
Về thuốc điều trị, hiện Bộ Y tế cũng đã tiến hành nhập 10.000 liều thuốc Relenza để dùng phối hợp điều trị với Tamiflu; chuyển cho TPHCM 30 ngàn viên Tamiflu.
Đặc biệt, Sở Y Tế TPHCM đã yêu cầu Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới chuẩn bị dự thảo cho công tác điều trị phòng chống cúm tại nhà. Theo BS Nguyễn Thành Dũng, BV Bệnh nhiệt đới, đề được điều trị cúm tại nhà, bệnh nhân cúm phải thuộc dạng nhẹ, không biến chứng, nơi ở của bệnh nhân đáp ứng những điều kiện cách ly truyền nhiễm và bệnh nhân không thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao và có sự đồng ý của bệnh nhân và gia đình.
Nếu trong thời gian điều trị tại nhà, bệnh nhân sẽ phải vào điều trị trong bệnh viện khi gặp những triệu chứng nặng sau: khó thở, thở nhanh nông, hay đau ngực, ói nhiều, sốt 3 ngày không thuyên giãm dù có dùng thuốc hạ sốt hay giảm đau, chóng mặt khi đứng dậy, tiểu ít, lừ đừ, trẻ em có co giật, triệu chứng cúm thuyên giãm sau đó sốt trở lại và ho nhiều. |
Hà Khê - Ngọc Thanh - Đại Hòa