Dịch bệnh đô thị: Chưa biết bao giờ dừng lại
Từ đầu tháng 3 đến giờ, các dịch bệnh truyền nhiễm do virus ở TPHCM gia tăng phức tạp và không nói trước điều gì. Người dân lo lắng, còn cơ quan chức năng thì lúng túng.
Theo ước tính của cơ quan chức năng, các bệnh này tăng 15-30% so với tháng trước Tết. Nhưng các chuyên gia cho rằng đây mới là đầu mùa, thời gian tới còn tăng hơn nữa, chưa kể xuất hiện thêm những bệnh khác!
Lục bình trôi theo con nước lớn, và vướng lại trong kinh rạch dần cạn do không được nạo vét là nguồn gốc chính của những ổ dịch muỗi.
Môi trường xuống cấp
Theo bác sĩ Phan Văn Nghiệm, trưởng phòng nghiệp vụ y Sở Y tế TPHCM, đây là hậu quả của môi trường sống chưa tốt ở nhiều khu vực TPHCM. Thật vậy, 8 ổ dịch Rubella hiện nay tập trung tại các trường học, khu công nghiệp của quận 7, Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh; tiêu chảy do Rotavirus xảy ra ở một khu phố của quận 8; sốt xuất huyết xảy ra ở một số khu phố của quận 6, 8, Tân Bình, Bình Tân và Cần Giờ…
Tại những vùng này, ngoài điều kiện sống chật chội, tình trạng vệ sinh và hoàn cảnh môi trường kém cũng góp phần làm bệnh gia tăng. Việc xây dựng nhà cửa, cầu đường loạn xạ hiện nay đã khiến cống rãnh bị bít tắc, nước thải ứ đọng, tạo điều kiện cho mầm bệnh sinh sôi và phát triển. Thời tiết diễn biến thất thường, trời nóng bức cũng góp phần gây nên chuyện.
Theo BS Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm - thần kinh BV Nhi Đồng 1, tình trạng thời tiết nóng bức kèm theo sự gia tăng các bệnh siêu vi hiện nay sẽ làm hệ miễn dịch của trẻ giảm sút, khiến chúng dễ mắc các bệnh do vi khuẩn gây ra. Thật vậy, từ vài tuần nay, tại khoa bệnh này số trẻ bị viêm não-màng não do vi khuẩn gia tăng đáng kể.
Ý thức người dân chưa cao
BS Khanh cho rằng không ít người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về bệnh. Chẳng hạn có người cho rằng bệnh tay – chân - miệng lây qua đường tiêu hoá, nên chỉ cần cho trẻ ăn sạch, uống sạch là có thể phòng bệnh. Tuy nhiên, sự thật bệnh này chủ yếu lây qua bàn tay. Khi trẻ lê la, bò dưới đất hoặc cầm nắm vào những đồ chơi nhiễm virus rồi đưa tay lên miệng ngậm, virus sẽ theo miệng đi vào cơ thể và gây bệnh.
Dân gian cũng cho rằng khi phát ban trong bệnh thuỷ đậu, Rubella thì nên làm mọi cách để ban phát ra càng nhiều càng tốt, vì thế họ cho trẻ uống một số loại thuốc bắc, thuốc tây độc hại, gây biến chứng không lường trước.
Một quan niệm sai lầm cũng khá phổ biến là chỉ cho trẻ chích ngừa có dịch bệnh. Theo BS Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, Viện Pasteur TPHCM, nên chích vài tháng trước khi có dịch vì chích sớm sẽ tạo kháng thể đủ mạnh để bảo vệ cơ thể. Chích trễ, cơ thể chưa đủ tạo ra miễn dịch nên khó phòng ngừa được bệnh; thậm chí trẻ có thể đã có bệnh rồi, chích ngừa không còn tác dụng.
Cơ quan chức năng chưa sâu sát
Tại một cuộc họp mới đây, TS Lê Trường Giang, phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, đã phê bình các cơ sở y tế dự phòng chỉ biết được việc muỗi bùng phát tại một số nơi trong TP thông qua… báo chí phản ánh! Đây không chỉ lần chậm chạp đầu tiên.
Khách quan mà nói, ngành y tế dự phòng ở nước ta hiện nay vẫn chưa được coi trọng bằng ngành điều trị, nhân lực, vật lực, tài lực chưa được đầu tư đúng mức. Nếu tình hình không sớm cải thiện, với sự gia tăng và bùng nổ dịch bệnh thời gian tới, không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho sức khoẻ người dân!
Theo Phan Sơn
Sài Gòn tiếp thị