Đấu thầu thuốc tập trung - “Con dao hai lưỡi”
(Dân trí) - Đấu thầu thuốc tập trung với một mức giá chung hợp lý nhất trên cả nước được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cho người dân. Song, nếu việc đấu thầu bị quy định một cách cứng nhắc sẽ đặt thị trường thuốc chữa bệnh đứng trước nguy cơ khủng hoảng nghiêm trọng.
Để chấn chỉnh tình trạng trên, theo dự thảo Luật đấu thầu sửa đổi, năm nay việc đấu thầu thuốc sẽ diễn ra tập trung. Tất cả các đơn vị mời thầu cũng như dự thầu sẽ được quy về một mối. Đơn dự thầu có mặt hàng với chất lượng tốt nhất, giá thành mềm nhất sẽ cung ứng thuốc cho các cơ sở điều trị bệnh có nhu cầu mua.
Một loại thuốc cùng nhà sản xuất, cùng hoạt chất có mặt trên thị trường cả nước sẽ có chung một mức giá, tình trạng chênh lệch giá khi đến tay người bệnh sẽ bị “khai tử”. Ngành Y tế kỳ vọng với phương án đấu thầu trên, sẽ tạo hành lang thông thoáng cho Bảo hiểm Y tế khi thanh toán phí khám chữa bệnh, người dân cũng được hưởng một mức giá “mềm nhất” khi sử dụng thuốc trong quá trình điều trị. Bên cạnh đó, đấu thầu thuốc tập trung cũng sẽ hạn chế tối đa những tiêu cực có liên quan.
Dự thảo luật đấu thầu thuốc tập trung đang khiến cho các doanh nghiệp dược trong nước (đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ) như “ngồi trên đống lửa”. Sân chơi của cuộc đấu thầu thuốc tập trung sẽ không có chỗ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ bởi tính cạnh tranh khốc liệt không chỉ về giá cả mà còn về quy mô sản xuất để phục vụ thị trường lớn của cả nước. Nếu dự thảo Luật đấu thầu sửa đổi đi vào đời sống, nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ bị phá sản.
... nhưng khó thực hiện
Các chuyên gia y tế đang lo ngại nếu việc đấu thầu bị quy định một cách cứng nhắc thì ngay cả các công ty lớn cũng không đủ năng lực để tham gia đấu thầu. BS Lê Duy Thuận, bệnh viện Đại học Y Dược cho rằng: “Việc tham gia đấu thầu tập trung nếu trúng thầu doanh nghiệp dược sẽ phải cung ứng thuốc cho cả nước. Với dây chuyền sản xuất hiện có, khi phải cung ứng một lượng thuốc tăng từ 60 - 200% doanh nghiệp không thể đủ khả năng”.
“Mặt khác, khi tham gia đấu thầu doanh nghiệp sẽ phải cam kết giữ ổn định mức giá. Nhưng trên thực tế nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất dược trong nước chủ yếu nhập từ nước ngoài. Cùng với việc giá nguyên liệu biến động sẽ khó tránh khỏi tình trạng doanh nghiệp trúng thầu bị đơn vị cung cấp nguyên liệu “hét giá” nguy cơ phá sản của doanh nghiệp dược có thể xảy ra. Một doanh nghiệp cung ứng thuốc bị “khai tử” cũng đồng nghĩa với việc cung ứng mặt hàng thuốc trúng thầu của doanh nghiệp đó ngưng trệ hoàn toàn trên thị trường”.
Trước những khó khăn có thể gặp phải, DS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM nhận định: “Đấu thầu thuốc tập trung sẽ gặp không ít khó khăn, làm sao để tìm ra mẫu số chung cho các bệnh viện là việc nan giải. Để đánh giá tiêu chí chất lượng của các loại thuốc là vấn đề không đơn giản. Nếu chỉ một thuốc trúng thầu việc cung cấp cho toàn bộ hệ thống bệnh viện tại TPHCM đã là vô cùng khó, chưa nói đến cung ứng trên cả nước”.
DS Phong Lan kiến nghị “Cần có những quy định mở cho hình thức đầu thầu rộng hơn như đàm phán giá cho nhóm thuốc theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Nhóm thuốc bảo đảm chất lượng từ công ty cung ứng sẽ được quy định giá mà bảo hiểm y tế bảo đảm sẽ thanh toán. Thay vì cụ thể một công ty trúng thầu, dựa trên mức giá quy định các bệnh viện sẽ tùy theo nhu cầu của mình để lựa chọn thuốc, miễn không vượt mức giá chung. Đấu thầu thuốc là để tìm ra những mặt hàng có chất lượng tốt, giá cả hợp lý chứ không tạo sân chơi độc quyền”.
Vân Sơn