Dấu hiệu "tố" ung thư tuyến tiền liệt

Ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn sớm thường không có dấu hiệu gợi ý rõ ràng và đa số các dấu hiệu cũng có thể gặp ở các bệnh lý khác.

Nếu được phát hiện, điều trị sớm tại cơ sở y tế có năng lực và bệnh nhân tuân thủ quá trình trị liệu thì ung thư tuyến tiền liệt là ung thư đáp ứng điều trị tốt.

Một số dấu hiệu nghi ngờ

Nếu phát hiện mình có một số triệu chứng sau thì nên đi đến các cơ sở y tế chuyên về niệu khoa để được thăm khám và chẩn đoán: tiểu khó, tiểu lắt nhắt. Nước tiểu có máu nhưng thường lượng máu rất ít, mắt thường khó phát hiện được mà phải nhờ đến xét nghiệm. Tuyến tiền liệt to hơn bình thường và có thể sờ thấy một nhân cứng. Để biết, cần phải khám tuyến tiền liệt.

Khi bệnh tiến triển nặng, có thể gặp các triệu chứng như: phù hai bàn chân, tiểu không tự chủ hay bí tiểu. Đau nhức xương hay có thể bị gãy xương khi gặp một chấn thương nhẹ.

Vì ung thư tuyến tiền liệt thường xuất hiện ở nam giới tuổi trung niên và bệnh không có triệu chứng đặc hiệu ở giai đoạn đầu nên để phát hiện bệnh sớm, nam giới trên 50 tuổi cần khám tầm soát ung thư tuyến tiền liệt hàng năm. Nếu gia đình có cha, anh ruột bị ung thư tuyến tiền liệt thì nên chủ động đi khám tuyến tiền liệt mỗi năm từ tuổi 40. Bác sĩ sẽ chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt thông qua việc khám lâm sàng và thực hiện các cận lâm sàng như tiến hành thăm khám qua hậu môn, trực tràng; sinh thiết tuyến tiền liệt dưới hướng dẫn của siêu âm qua trực tràng và xét nghiệm máu.

Dấu hiệu tố ung thư tuyến tiền liệt - 1
Các giai đoạn của ung thư tuyến tiền liệt.

Điều trị thế nào?

Có nhiều phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt, tùy thuộc vào từng giai đoạn mà bác sĩ lựa chọn, kết hợp các phương pháp khác nhau nhằm tối ưu hóa hiệu quả điều trị. Xu hướng hiện nay là cá nhân hóa điều trị để việc điều trị đạt kết quả cao nhất, do đó tùy vào từng ca bệnh, bác sĩ sẽ có những chỉ định riêng.

Phẫu thuật: Bệnh nhân được cắt bỏ toàn bộ tuyến tiền liệt, hai túi tinh và có thể nạo hạch vùng chậu hai bên. Phương pháp này áp dụng nhằm điều trị triệt để ung thư khi còn khu trú trong tuyến tiền liệt.

Điều trị nội tiết: ung thư tuyến tiền liệt là loại ung thư nhạy với nội tiết tố nam nên nếu bằng cách nào cắt nguồn cung cấp nội tiết nam thì khối u sẽ ngừng phát triển. Khoa học đã ứng dụng đặc tính này trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt bằng cách cắt hai tinh hoàn của bệnh nhân hay dùng các loại thuốc có tác dụng ức chế, làm giảm nồng độ nội tiết nam ngang bằng với phương pháp cắt hai tinh hoàn nhằm cắt nguồn cung cấp nội tiết tố nam.

Xạ trị: Chiếu tia phóng xạ để diệt các tế bào ung thư. Có thể chiếu xạ từ ngoài vào gọi là xạ trị ngoài hoặc cấy các hạt phóng xạ vào trong lòng tuyến tiền liệt gọi là xạ trị trong.

Hóa trị: Không bao giờ là phương pháp điều trị tận gốc đối với ung thư tuyến tiền liệt. Hóa trị chủ yếu là điều trị khi ung thư không còn nhạy với điều trị nội tiết mà trong y khoa gọi là giai đoạn kháng cắt tinh hoàn. Hiện nay, đối với ung thư có độ ác tính cao, các nghiên cứu cho phép điều trị nội tiết phối hợp với hóa trị sớm cho kết quả tốt hơn.

Các phương pháp mới khác: Miễn dịch, đồng vị phóng xạ, các loại thuốc mới cũng được nghiên cứu và ứng dụng điều trị ung thư tuyến tiền liệt, mang lại kết quả tốt hơn, kéo dài thời gian sống còn của bệnh nhân.

Lời khuyên của thầy thuốc

Để ngăn ngừa nguy cơ mắc phải căn bệnh ung thư tuyến tiền liệt, nam giới nên chú ý trong trong lối sống, sinh hoạt và chế độ ăn uống hàng ngày. Đây chính là cách tốt nhất để chủ động phòng ngừa ung thư tuyến tiền liệt cũng như duy trì sức khỏe tổng thể.

Cụ thể, hằng ngày cần chọn chế độ ăn uống lành mạnh như ăn uống ít chất béo và đầy đủ trái cây, rau quả có thể góp phần làm giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Duy trì cân nặng ở mức độ vừa phải, tránh béo phì vì có nguy cơ làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.

Rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, những người đàn ông thường xuyên tập thể dục có thể làm giảm nguy cơ bị ung thư tuyến tiền liệt. Tập thể dục có nhiều lợi ích cho sức khỏe và có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim cũng như nhiều căn bệnh khác.

Tuyến tiền liệt góp phần tạo ra tinh dịch và cung cấp năng lượng cho tinh trùng, hỗ trợ tinh trùng “hoàn thành sứ mệnh trọng đại” của nó. Tuyến tiền liệt còn đóng vai trò trong việc kiểm soát tiểu tiện ở nam giới. 

Tuyến tiền liệt ở nam giới trưởng thành khoảng 15 - 25g, hình như trái lê nhỏ, sờ thấy chắc, được cấu tạo bao gồm 70% mô tuyến và 30% lớp đệm mô sợi cơ. Lớp đệm bao quanh tuyến tiền liệt và co bóp trong lúc phóng tinh, đổ chất tiết từ tuyến tiền liệt vào niệu đạo.

Khi bước vào tuổi 40, tiền liệt tuyến bắt đầu bước vào thời kỳ lão hóa. Lúc đó, testosterone trong cơ thể giảm, các tế bào tuyến tiền liệt co lại, các tế bào “nhàn rỗi” xung quanh nó có sự phát triển khác thường, tuyến này bắt đầu tăng thể tích, trọng lượng dẫn tới tình trạng phì đại.

Đến một lúc “nặng nề”, tuyến tiền liệt giống như một quả núi đè nặng lên niệu đạo gây trở ngại cho việc bài tiết nước tiểu, gây tiểu lắt nhắt, tiểu dắt, tiểu khó, thậm chí không thể tiểu tiện được, làm thận bị ứ nước hoặc suy thận gây nguy hiểm đến tính mạng. Có trường hợp tế bào tuyến tiền liệt trở thành tế bào ung thư, đây là điều chúng ta cần cảnh giác.

Theo Sức khỏe và đời sống