Đau dạ dày hậu Covid-19

Đau dạ dày hậu Covid-19 là tình trạng gặp ở khá nhiều bệnh nhân. Sau khi âm tính Covid-19, nhiều người vẫn bị đau dạ dày dai dẳng, tái phát,... Vậy nên làm thế nào để kiểm soát tình trạng này?

Đau dạ dày hậu Covid-19 gặp phổ biến

Có nhiều người bị đau bụng hậu Covid-19 do nguyên nhân từ dạ dày. Những nguyên nhân gây tái phát cơn đau dạ dày thường là: chế độ ăn uống không hợp lý, sinh hoạt không điều độ, lạm dụng thuốc giảm đau hoặc kháng sinh, ngủ không đủ giấc, căng thẳng tâm lý,... 

Ở người mắc Covid-19, do trong thời gian nhiễm bệnh, người bệnh thường có chế độ ăn uống không phù hợp, dùng thuốc nhiều, kết hợp với tình trạng lo lắng, mất ngủ, căng thẳng kéo dài,... Đây là những nguyên nhân gây tái phát cơn đau dạ dày ở những người có tiền sử viêm loét dạ dày.

Đau dạ dày hậu Covid-19 - 1

Để cải thiện tình trạng bị Covid-19 ăn không tiêu, đau dạ dày, trước tiên người bệnh cần có chế độ ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lý để sức khỏe nhanh hồi phục. Bên cạnh đó, bệnh nhân nên tránh căng thẳng tâm lý. Nếu có những vấn đề sức khỏe khác giai đoạn hậu Covid-19 kéo dài, người bệnh nên đi khám để được điều trị thích hợp.

Lời khuyên kiểm soát cơn đau dạ dày hậu Covid-19

Để kiểm soát tình trạng ăn vào bị đau dạ dày sau khi mắc Covid-19, người bệnh nên:

Ăn uống đủ chất dinh dưỡng

Để có sức khỏe tốt, người có bệnh lý ở dạ dày cần đảm bảo một chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ các nhóm chất: chất đạm, chất béo, tinh bột, vitamin và khoáng chất. 

Tinh bột: Ngũ cốc.

Thịt, trứng, sữa, cá, đậu, đỗ...

Chất béo: Mỡ động vật và dầu thực vật.

Vitamin và khoáng chất: Rau, củ, quả tươi.

Chọn thực phẩm tốt cho dạ dày

Người bị đau dạ dày hậu Covid-19 nên ưu tiên những thực phẩm sau:

Người bị viêm loét dạ dày nên ăn thực phẩm có tính bao phủ niêm mạc dạ dày như: ngũ cốc, bánh mì, bánh quy, gạo nếp, khoai củ, mật ong...

Nên ăn thực phẩm nấu mềm, chín, giàu dinh dưỡng và tăng cường sức đề kháng cho niêm mạc ruột như sữa, cháo, súp, các món ninh nhừ, hầm mềm

Nên ăn thịt nạc: Thịt lợn nạc, thịt bò nạc, cá, trứng, thịt gia cầm bỏ da

Lựa chọn chất béo lành mạnh: Dầu oliu, bơ, các loại hạt...

Tăng cường ăn rau xanh, trái cây tươi để cải thiện tình trạng thiếu hụt vitamin và khoáng chất do tiêu hóa và hấp thu kém ở người mắc bệnh dạ dày. Tuy nhiên, cần lưu ý không ăn nhiều trái cây có tính axit (trái cây họ cam quýt).

Hạn chế thực phẩm gây đau dạ dày

Người bị đau dạ dày hậu Covid-19 cũng nên hạn chế những thực phẩm có thể khiến bệnh tình trở nặng như:

Hạn chế thực phẩm làm thay đổi môi trường pH của dạ dày: Thức ăn vị cay, chua, tiêu, ớt, giấm, tỏi...

Hạn chế thức ăn nhiều chất béo, trà đặc, cà phê, nước uống có ga, thức ăn muối chua, nhiều muối,... vì dễ gây tăng tiết dịch vị, sinh hơi, làm tái phát cơn đau dạ dày.

Hạn chế thực phẩm chiên, rán, xào.

Hạn chế thực phẩm thô cứng, nhiều gân, xơ,....

Hạn chế uống rượu bia, tốt nhất là không nên uống vì rượu bia gây kích thích dạ dày, làm chậm quá trình chữa lành bệnh.

Không ăn thức ăn lạnh, đồ ăn để lâu, món tái sống (nem chua, gỏi cá, tiết canh,...). Đây là các loại thức ăn không tốt cho dạ dày, dễ gây tiêu chảy, ngộ độc làm suy yếu chức năng dạ dày.

Ăn chậm, nhai kỹ và chia thành nhiều bữa nhỏ

Hậu Covid-19 người có tiền sử viêm loét dạ dày nên chú ý tới cách ăn uống để tránh làm tổn thương hoặc quá tải cho dạ dày. Vì khi niêm mạc dạ dày bị tổn thương, kích thích thì rất dễ tái phát các cơn đau, làm nặng thêm các tổn thương viêm loét trước đó.

Một số nguyên tắc người bệnh cần nhớ gồm:

- Không ăn quá no hoặc để bị đói quá.

- Nên chia ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, bữa tối nên cách giờ đi ngủ khoảng 3 giờ. Người bệnh không nên quá khuya để tránh việc dạ dày phải hoạt động quá tải về đêm.

- Ăn chậm, nhai kỹ.

- Sau khi ăn không nên vận động mạnh, chạy nhảy, tập thể dục hoặc làm việc quá sức.

- Tránh căng thẳng, stress, dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc và tập thể dục đều đặn.

Khi bị đau dạ dày hậu Covid-19, người bệnh nên cố gắng ăn uống đầy đủ, tăng cường thực phẩm giàu calo, protein và rau quả tươi để cải thiện sức khỏe và hệ miễn dịch. Đồng thời, giữ một tâm lý thoải mái, vận động thường xuyên, đi khám sức khỏe nếu cần,... sẽ giúp mỗi người khỏe mạnh hơn. 

Biến chứng hậu Covid-19 tồn tại ở mỗi người khác nhau nhưng có thể kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người bệnh. Bệnh nhân khi thăm khám sớm có thể kịp thời phát hiện và điều trị di chứng do SARS-CoV-2 gây ra, nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường, khỏe mạnh.

Hiện tại, Vinmec có các gói khám hậu Covid-19:

Đánh giá chức năng hệ hô hấp sau nhiễm Covid-19: Dành cho bệnh nhân có khó thở, ho, tức ngực kéo dài; bệnh nhân bị hạn chế vận động thể lực, hụt hơi.

Đánh giá chuyên sâu chức năng hệ hô hấp sau nhiễm Covid-19: Dành cho các bệnh nhân đã được chẩn đoán tổn thương phổi trong giai đoạn cấp tính: tổn thương phổi kính mờ, viêm phổi, xơ phổi

Sàng lọc rối loạn tâm thần kinh sau nhiễm Covid-19: Dành cho bệnh nhân có các triệu chứng kéo dài: mất ngủ, mệt mỏi, đau cơ, đau đầu; rối loạn thần kinh thực vật; suy giảm nhận thức (brain fog); xuất hiện các rối loạn tâm thần: hoang tưởng, sang chấn tâm lý, trầm cảm, lo âu.

Đánh giá rối loạn liên quan đáp ứng viêm hệ thống sau miễn nhiễm Covid: Dành cho các bệnh nhân sốt kéo dài (> 2 tuần), mệt mỏi không rõ nguyên nhân; phát ban trên da: ban dạng mày đay, hồng ban, ban xuất huyết; tổn thương nhiều cơ quan đã biết: tăng men gan, tổn thương thận, tiêu hóa; rối loạn các dấu ấn viêm; rối loạn huyết học: thiếu máu, tan máu, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu.

Gói khám dành cho khách hàng trên 18 tuổi

Gói Đánh giá chuyên sâu chức năng hệ hô hấp sau nhiễm Covid-19 chỉ có tại Vinmec Times City.

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Hoàng Yến- Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park