Đắp tỏi vào lòng bàn chân để trị ho, được không?
Tôi rất hay bị ho, uống nhiều loại thuốc không khỏi. Có người chỉ đắp tỏi vào lòng bàn chân, tôi làm được 5 hôm thì đỡ nhưng hết làm thì ho lại…
Bạn đọc Lê Thảo, hỏi: Tôi bị ho kéo dài khá lâu rồi, thường xuất hiện khi tôi nằm xuống. Cho tôi hỏi ngoài cách đắp tỏi đó còn cách nào hiệu quả lâu dài hơn không?
Bạn đọc Nguyễn Châu Minh (nam, 51 tuổi, TP HCM), hỏi: Tôi dễ bị ho, trời lạnh một chút cũng ho, không khí có mùi lạ chút cũng ho, có khi vào đợt ho kéo dài vô cớ, đi khám bác sĩ mấy lần không đỡ. Tôi đắp tỏi vào lòng bàn chân theo một người cô chỉ thì đỡ nhưng tôi thắc mắc cách này làm lâu dài có hại không và có thể khỏi được bệnh ho không?
Lương y Đinh Công Bảy, Tổng thư ký Hội Dược liệu TP HCM, trả lời:
Ho là một triệu chứng xuất hiện trong nhiều bệnh. Đắp tỏi vào huyệt Dũng tuyền nằm ở lòng bàn chân là một trong những cách để giảm bớt những đợt ho xảy ra ở người có hệ hô hấp yếu.
Huyệt Dũng tuyền nằm ở giao điểm của đường kẻ dọc chia đôi bàn chân theo chiều dọc và đường kẻ ngang chia bàn chân thành 1/3 trước và 2/3 sau. Theo Đông y, đây là đầu kinh thận, khi đắp tỏi sẽ tác động tới thận, thận lại tác động tới phế, khiến tạng phế mạnh lên, nhờ vậy bớt ho. Đây là phương pháp an toàn, không có hại gì nếu dùng nhiều.
Tuy nhiên, có 2 lưu ý quan trọng:
Thứ nhất, cách này chỉ trị những cơn ho do thể trạng – hệ hô hấp yếu, không trị được cơn ho do viêm hô hấp cấp tính, bao gồm viêm hô hấp trên (như viêm mũi, họng…) lẫn viêm đường hô hấp dưới (như viêm phổi). Vì vậy nếu ho đã kéo dài nhiều ngày, các bạn cần đi khám để loại trừ nguyên nhân này, cũng như các bệnh khác mà ho là một triệu chứng báo hiệu.
Thứ hai, đắp tỏi chỉ là một cách trị triệu chứng nhất thời. Về lâu dài, các bạn cần làm cho hệ hô hấp – tạng phế của mình mạnh lên, nhờ chế độ dinh dưỡng và lối sống.
Nên ăn nhiều thực phẩm bổ phổi – là những rau củ có màu trắng: củ tóc tiên, lan tiên, hành tây, củ cải trắng, súp lơ trắng, bắp cải, bạch quả, hạt sen, củ mài, đậu trắng, đậu ván, một số loại nấm trắng…
Cần tăng cường vận động, tập thêm thể dục, thể thao phù hợp với sức khỏe. Tránh nằm lâu, dù cơ thể có bệnh cũng phải cố vận động, vật lý trị liệu; người nằm liệt giường cũng phải được người nhà thường xuyên xoay trở, xoa bóp, đỡ ngồi dậy, bởi nằm lâu sẽ hại phế.
Người hay bị ho, nhất là người lớn tuổi nên tránh đến vùng cao, có nồng độ oxy thấp vì như vậy phổi sẽ khó khăn hơn khi làm việc. Khi du lịch nghỉ dưỡng, nên chọn vùng biển, vùng đồng bằng nhiều cây xanh. Không khí trong lành hoặc có lẫn muối biển sẽ tốt cho người phổi yếu. Trong cuộc sống hàng ngày cũng nên giữ nhà cửa sạch sẽ, tránh nơi đông đúc, ô nhiễm nếu có thể.
Theo Anh Thư
Người lao động