Đằng sau bộ móng đẹp...

Dịch vụ làm móng tay, móng chân hay còn gọi là nails hiện đã lan tràn từ thành thị đến nông thôn. Nó không chỉ dừng lại ở việc cắt móng, lấy da, sơn bóng... như trước mà đã được '' nâng cấp'' thành ''nghệ thuật tạo hình". Để ''sành điệu'', khách phải bỏ ra vài trăm nghìn đồng và ít nhất 3 giờ đồng hồ...

Đa dạng kiểu dáng, màu sắc ''sành điệu''

 

Có thể nói, hầu hế những tiệm làm tóc đều có thêm dịch vụ ''làm móng'' và đội ngũ làm ''neo'' di động với giá ''bèo''.

 

Hầu hết các tiệm tại TP.HCM  hiện nay đều thực hiện dịch vụ ''neo'' trọn gói bao gồm: cắt móng, lấy da, sơn và vẽ móng tay, móng chân giá 50.000-70.000 đồng; đắp bột cho móng 120.000- 160.000 đồng/bộ và ''neo thư giãn'' vừa massage bằng ghế điện, vừa thả chân vào bồn nước (bên dưới) để cho người chăm sóc móng, 80.000-100.000 đồng/lần. Tuy giá dịch vụ khá cao, song các tiệm nail luôn ''lai rai có khách'', bởi làm móng nghệ thuật đang là mốt ''sành điệu''.

 

Bà Nguyễn Mỹ Hằng, chủ tiệm nail SG trên đường Lý Thái Tổ (Q10) cho biết, công việc thực hiện một bộ ''neo'' gồm cắt móng, lấy da, sơn màu (đã chọn) đủ từ 3- 4 lớp khách muốn vẽ hình gì thì chỉ vào bảng mẫu có sẵn với đủ loại hình và màu sắc.

 

Thợ sẽ dùng cọ vẽ ''sao y'' lên móng, đôi khi phải trang trí thêm hạt đá hay hoa khô, hoa giả cho ''sành điệu''. Nếu đắp bột (đắp móng giả), thợ dùng máy mài móng giả (bằng nhựa) sao cho kích thước khớp với móng thật, rồi dùng cọ quết một lớp bột lên móng. Đợi bột khô, lại mài, giũa rồi sơn màu và sau cùng là vẽ. Bộ móng giả sau khi đắp bột dính chặt vào móng thật trông như móng ''xịn'', như do làm bằng nhựa nên không có sức sống và vẻ hồng hào tự nhiên.

 

Lợi bất cập hại

 

Thực ra việc đắp móng giả chỉ để phục vụ cho những người bị hư, bệnh về móng hoặc những người làm nghề buộc phải ''không để móng tay (chân)'', song dịch vụ này giờ đây đã và đang phổ biến, trở thành mốt ''thời thượng'' nhờ ưu điểm giữ được nước sơn bền, lại rất dễ trang trí các loại hình vẽ ''hot'' nhất.

 

Tuy nhiên ít ai nghĩ rằng, đắp móng giả về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ.

 

Sau khi đắp xong, các tiệm thường đề nghị khách đi rửa tay kỳ cọ với xà phòng, bởi loại hoá chất bôi lên móng tay nhiều sẽ làm móng bị đau. Chất này hầu hết đều là hàng của Trung Quốc, Hàn Quốc... có thành phần hoá học ghi toàn bằng tiếng nước ngoài nên chúng có độc hại hay không vẫn... chưa biết vì chưa hề có cơ quan chức năng kiểm định.

 

Móng thật do bị mài nhiều để kết nối khi đắp móng giả cũng dễ tổn thương, thậm chí đã có trường hợp người đeo móng giả do va chạm mạnh đã bị gãy cả nửa móng tay (chân) thật...

 

Đến nay tuy chưa có công trình nghiên cứu cụ thể những tác động của hoá chất làm móng đối với sức khoẻ người thợ và khách song đã thấy có những biểu  hiện như: người nào làm móng tay, móng chân nhiều sẽ bị "nghiền", bởi da càng cắt càng ra, không cắt là không chịu được, lâu dần móng sẽ bị vàng và bị sần sùi dẫn đến bệnh ly móng (móng bị hở), hoặc bị  nhiễm trùng khoé móng, viêm gốc móng...

 

Những bệnh này tuy chữa trị được nhưng với điều kiện người bệnh không làm móng thường xuyên. Nếu cần phải làm móng, chỉ nên cắt  lớp da thừa bên ngoài, không nên lấy khoé sâu do như vậy rất dễ bị nhiễm trùng. Và chỉ nên sơn vẽ hay đắp móng khi thật sự cần thiết trong những dịp đặc biệt, không nên che lấp móng bằng đủ thứ loại hoá chất thường xuyên, bởi móng tay (chân) còn là nơi ''thông báo tình trạng sức khoẻ của mỗi người''...

 

Theo Thị trường Tiêu Dùng