Cứu trẻ sơ sinh bằng “Cái ôm đầu tiên”

(Dân trí) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa phát động chiến dịch “Cái ôm đầu tiên” tại Việt Nam, nêu bật các bước đơn giản có thể cứu sống hàng ngàn trẻ sơ sinh và ngăn ngừa hàng trăm ngàn ca biến chứng mỗi năm do các thực hành có hại hoặc lỗi thời trong chăm sóc trẻ sơ sinh ở Việt Nam.

Cứu trẻ sơ sinh bằng “Cái ôm đầu tiên”

Theo WHO, trong hai thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn trong giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi trong tháng đầu sau sinh, đạt mục tiêu Thiên niên kỷ về giảm tỷ lệ trẻ tử vong. Tuy nhiên, trong năm 2012, vẫn có trên 17.000 trẻ sơ sinh tử vong trong tháng đầu đời.

Vì lý do này, Cái ôm đầu tiên nêu bật tầm quan trong của chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm (gọi tắt là CSSSTYS). Gói hành động và can thiệp này đề cập đến các nguyên nhân cơ bản nhất của tử vong hoặc bệnh tật ở trẻ sơ sinh, như đẻ non (sinh non), sơ sinh nhẹ cân hoặc mắc nhiễm trùng nặng như viêm phổi hoặc tiêu chảy.

Theo đó, WHO khuyến cáo, để cứu sống trẻ sơ sinh, hãy làm từng bước một. Bởi chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm gồm hàng loạt biện pháp đơn giản có chi phí hiệu quả được xây dựng nhằm bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi tử vong thông qua việc thay đổi các thực hành y tế chưa hợp lý.

Chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm bắt đầu bằng Cái ôm đầu tiên hay duy trì tiếp xúc da-kề-da giữa mẹ và bé ngay sau sinh. Phương pháp đơn giản này giúp ủ ấm trẻ, chuyển máu từ bánh nhau và những vi khuẩn có lợi từ mẹ sang con và khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn.

“Tách mẹ và con ngay sau sinh là thực hành rất lỗi thời. Nhưng điều đó lại xảy ra tại thời điểm rất quan trọng khi trẻ sơ sinh có dấu hiệu tìm kiếm vú mẹ để bú”, Tiến sỹ Maria Asuncion Silvestre, chuyên gia nhi khoa và trẻ sơ sinh của Tổ chức Y tế Thế giới phát biểu.

Thêm vào đó, phong tục tập quán và niềm tin ở một số cộng đồng và các nhân viên y tế có thể là rào cản trong việc thực hiện đầy đủ chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm. Thay đổi thực hành đòi hỏi một môi trường hỗ trợ, gia đình và các cá nhân được thông tin đòi hỏi các cán bộ y tế cung cấp các thực hành tốt nhất.

Sau tiếp xúc da-kề-da, kẹp dây rốn được thực hiện và cắt rốn bằng dụng cụ tiệt trùng. Các bà mẹ có thể cho con bú khi thấy trẻ có những dấu hiệu đòi ăn như chảy dãi, lia lưỡi, ngọ nguậy tìm vú mẹ và gặm nắm tay hay ngón tay. Bú sớm đặc biệt quan trọng vì sữa non, hay “những giọt sữa đầu tiên”, cung cấp cho trẻ đầy đủ dinh dưỡng thiết yếu, kháng thể và tế bào miễn dịch.

Các chăm sóc thường quy khác như cung cấp vitamin K, nhỏ thuốc mắt, tiêm phòng, cân bé và thăm khám toàn thân cần được tiến hành ngay sau bữa bú đầu tiên của trẻ. Cần thực hiện những bước chăm sóc này theo thứ tự chuẩn để đạt được kết quả tối ưu.

Chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm có thể được thực hiện ở tất cả các phòng đẻ mà không cần chuẩn bị phức tạp hoặc đòi hỏi các công nghệ đắt tiền. Do đó có thể áp dụng CSSSTYS tại bệnh viện huyện, trạm y tế xã ở vùng sâu hay các vùng khó tiếp cận của Việt Nam nơi có tỷ lệ tử vong sơ sinh cao.

Trong tuần này, Tổ chức Y tế Thế giới, phối hợp với Bộ Y Tế Việt Nam phát động chiến dịch Cái ôm đầu tiên tại ba bệnh viện: Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Sản Nhi Đà Nẵng và Bệnh viện Phụ sản Trung Ương. Ba bệnh viện này là Trung tâm Điển hình về Chăm sóc sơ sinh sớm thiết yếu ở Việt Nam, nơi đã áp dụng các thực hành về cái ôm đầu tiên. Theo đó sáng 17/7, tại BV Phụ sản Trung ương cũng sẽ phát động chiến dịch “Cái ôm đầu tiên” tại Bệnh viện.

Tú Anh