BS Đỗ Văn Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế Lai Châu, Giám đốc BV Đa khoa tỉnh, vẫn còn xúc động khi kể về trường hợp một sản phụ người dân tộc Dao đã được cứu sống dù bị vỡ ối, sốc nhiễm trùng nặng.
Sản phụ này ở một bản cách đường ô tô chạy tới 200km. Khi đến kỳ chuyển dạ, gia đình không đưa sản phụ đến trạm xá mà nhờ mụ vườn đỡ đẻ. Thế nhưng do thai ngôi ngược nên sản phụ không thể sinh trong khi cơn đau đẻ vẫn cứ dồn dập, khiến sản phụ bị vỡ tử cung, chảy rất nhiều máu. Khi được đưa tới viện, đúng dịp một đoàn gồm nhiều bác sĩ chuyên ngành sản của bệnh viện tuyến TƯ về chi viện, đã kịp thời cấp cứu, lấy thai chết lưu, cắt tử cung cho sản phụ và sản phụ đã qua cơn nguy kịch.
“Với ca bệnh này, nếu không có sự giúp đỡ của các chuyên gia, chúng tôi cũng có thể mổ, cắt tử cung. Tuy nhiên, cơ hội sống của sản phụ rất khó khăn vì còn phụ thuộc rất nhiều vào phác đồ điều trị sau phẫu thuật. Việc điều trị với những bệnh nhân như thế, các bác sĩ tuyến dưới chúng tôi không có nhiều kinh nghiệm, trình độ như các bác sĩ tuyến TƯ”, BS Giang bày tỏ.
Đó chỉ là một trong rất nhiều ca bệnh nguy kịch đã được kịp thời cứu sống, được chia sẻ tại hội nghị Tổng kết một năm thực hiện Đề án: Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh khu vực phía bắc (Gọi tắt là Đề án 1816) diễn ra ngày 25/11 tại Hà Nội.
Thêm kỹ thuật mới, người bệnh đỡ khổ
Mổ nội soi, một phương pháp phẫu thuật mà hầu như bệnh viện nào của Hà Nội cũng có nhiều bác sĩ ngoại khoa thực hiện được thì đó lại là một điều vô cùng “xa xỉ” với các bệnh viện tuyến cơ sở, kể cả viện tuyến tỉnh. Nhưng nay, kỹ thuật này đã trở thành công việc hằng ngày ở hầu hết các bệnh viện, sau khi được bác sĩ tuyến trên về chuyển giao, cầm tay chỉ việc. Điều này cũng có nghĩa, người bệnh được tiếp cận điều trị tốt hơn, chất lượng sống tốt hơn.
TS.BS Phan Văn Việt Viện Răng hàm mặt T.Ư đang hướng dẫn cho các bác sĩ bệnh viện đa khoa Hà Nam khám răng miệng
Như tại bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu, trước kia, để mổ sỏi túi mật, các bác sĩ đều thực hiện mổ mở, với đường rạch bụng lên tới 20-30cm, nhưng nay, các bác sĩ đã thực hiện thành thục việc phẫu thuật nội soi túi mật, chỉ với một lỗ nhỏ ở vùng bụng. Khi bác sĩ của viện thực hiện ca phẫu thuật nội soi sỏi túi mật lần đầu tiên, bệnh nhân đi lại, khoẻ mạnh ngay trong ngày đã khiến các bệnh nhân khác vô cùng… kinh ngạc không hiểu sao bác sĩ lại có thể giỏi đến thế.
Tổng kết 1 năm Đề án 1816, bệnh viện Lai Châu đã được chuyển giao 20 kỹ thuật mới và bác sĩ tại viện đã thực hiện thuần thục tới 15 kỹ thuật, gồm những kỹ thuật điều trị các bệnh rất phổ biến như: Phẫu thuật nội soi ruột thừa, túi mật, chẩn đoán nội soi, cắt trĩ bằng phương pháp Longo… Tương tự, tại các bệnh viện khác được chuyển giao, việc triển khai các kỹ thuật mới cũng đang trở thành thường quy, đem lại thuận lợi rất lớn cho người bệnh khi được tiếp cận các kỹ thuật này.
Bác sĩ ngại “cắm chốt” thôn, bản
Hiệu quả mà đề án 1816 mang lại đã thấy rõ, đó là chất lượng khám, chữa bệnh của các bệnh viện tuyến dưới có chuyển biến rõ rệt. Nhiều bệnh viện đa khoa của các tỉnh thành đã từng bước làm chủ được các kỹ thuật do bệnh viện tuyến trên chuyển giao. Tình trạng người bệnh phải chuyển lên tuyến TƯ giảm 30%.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện đề án này cũng gặp phải không ít khó khăn. Theo báo cáo của hầu hết các bệnh viện tuyến trên cho thấy, hầu như các bệnh viện cả tuyến trên và tuyến dưới đều rất thiếu nguồn nhân lực. Nhiều kỹ thuật được đưa vào danh mục để chuyển giao, nhưng tuyến dưới lại không có đủ người để tiếp cận. Rồi kỹ thuật thì có nhưng máy móc không đồng bộ cũng gây khó khăn cho việc chuyển giao kỹ thuật, giúp bác sĩ tuyến dưới thực hiện thành thạo, nâng cao tay nghề.
Vì thế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cũng khẳng định: “Dù đề án 1816 đã mang lại nhiều hiệu quả, góp phần rút ngắn khoảng cách về năng lực chuyên môn, khám chữa và điều trị giữa các vùng miền nhưng đó chỉ là giải quyết trước mắt, là biện pháp tình thế, lấy ngắn nuôi dài. Vấn đề cơ bản, lâu dài là phải đào tạo đủ thầy thuốc cho mọi miền đất nước”.
Nhờ Đề án 1816, người dân vùng xa, vùng sâu sẽ có cơ hội tiếp cận các kỹ thuật khám chữa, điều trị mới ngay tại địa phương mình (Ảnh: P.L)
Nhưng để thực hiện mục tiêu này còn là chặng đường vô cùng gian lao và dường như ngày càng… tụt lùi. Lực lượng bác sĩ có tay nghề cao vẫn chủ yếu tập trung ở các đô thị lớn. Trong khi đó, nhiều tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa đang bị thiếu cán bộ y tế nghiêm trọng. Như tại Lai Châu, năm 2004 có 86 bác sĩ (trong đó 7 người được “cắm chốt” ở tuyến xã, 15 bác sĩ tuyến huyện), nhưng đến năm 2007 không còn bác sĩ nào làm việc tại tuyến xã. Tỉnh này cũng cần biên chế khoảng hơn 100 bác sĩ nữa nhưng 3 năm nay, chưa hề tuyển được một bác sĩ nào. Hay như ở tỉnh Hoà Bình năm 2004 có 928 bác sĩ nhưng đến năm 2007, một nửa số bác sĩ trên đã rút lui khỏi tỉnh miền núi này. Tương tự, Kon Tum năm 2004 có 404 bác sĩ, nhưng 3 năm sau, số người trụ lại chưa đầy 200 người.
Trước bài toán vẫn chưa thể có lời giải về nguồn nhân lực, Đề án 1816 dù còn nhiều khó khăn, tồn tại nhưng vẫn là một giải pháp rất hiệu quả trong thời điểm này, giúp người dân ở các địa phương, vùng miền được công bằng hơn trong việc tiếp cận các dịch vụ, kỹ thuật mới chất lượng cao.
Sau 1 năm thực hiện, Đề án 1816 đã thu được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Đã có gần 2 nghìn lượt cán bộ đi luân phiên, hỗ trợ cho 189 bệnh viện trực thuộc 57 tỉnh, thành trong cả nước. Chuyển giao được hàng trăm kỹ thuật thucho bệnh viện tuyến dưới, tâp huấn, đào tạo hàng chục ngàn lượt cán bộ, trực tiếp khám và điều trị cho hàng trăm ngàn lượt bệnh nhân, phẫu thuật hàng ngàn ca, đặc biệt nhiều ca bệnh hiểm nghèo được cứu sống và giảm tới 30% số bệnh nhân chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. |
Hồng Hải