Cứu sống ca viêm phổi tưởng không qua khỏi
(Dân trí) - Sáng 2/6, bệnh nhân nữ 44 tuổi được xuất viện sau gần 1 tháng trời trong tình trạng thập tử nhất sinh tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
BS Vũ Đình Phú, trưởng khoa Hồi sức tích cực (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, bệnh nhân Dung khởi bệnh với biểu hiện sốt cao 39-40 độ, kèm gai rét, điều trị nhà không đỡ. Sau đó, bệnh nhân bị đi ngoài phân lỏng, ho đờm trắng, đi viện gần nhà khám. Sau chỉ định điều trị ngoại trú của bệnh viện này 3 ngày, tình trạng khó thở của bệnh nhân tăng lên và được người nhà đưa đến bệnh viện 19/8 thì đã viêm phổi nặng, suy hô hấp.
Bệnh nhân ngay lập tức được đặt ống nội khí quản, thở máy và chuyển đến khoa hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới vào ngày 18/5. Tại đây, kết quả chụp X - quang cho thấy phổi tổn thương lan tỏa chiếm 3/4 phổi, suy hô hấp nặng. Do phổi tổn thương không đáp ứng máy thở nên bệnh nhân bị sốc, tụt huyết áp, nguy kịch tính mạng.
Trước tình huống này, các bác sĩ đã quyết định thực hiện kỹ thuật ECMO, một kỹ thuật chủ động cung cấp ôxy vào máu để phổi được nghỉ ngơi hoàn toàn, từ đó có cơ hội hồi phục tốt hơn. Sau 7 ngày triển khai kỹ thuật này, bệnh nhân đã được cai thở máy, trở thành trường hợp đầu tiên trong 8 ca cai thở máy khi vẫn chạy ECMO.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc bệnh viện, ECMO không chỉ rút ngắn thời gian điều trị mà còn giảm thiểu di chứng tổn thương phổi.
... và vui vẻ, khoẻ mạnh tặng hoa PGS. Nguyễn Văn Kính trong ngày ra viện (Ảnh: H.Hải)
Anh Võ Thanh Sơn, con bệnh nhân cho biết, gia đình đã xác định tinh thần bác sĩ giải thích mẹ đang trong tình trạng nguy kịch. “Từ hôm thấy mẹ tự thở được, cả nhà đã mừng. Hôm nay đứng đây, thấy mẹ cười nói được, tặng hoa được thầy thuốc, vẫn cứ ngỡ là mơ. Không biết nói gì ngoài sự biết ơn các bác sĩ đã cứu mẹ từ cõi chết trở về”.
“Nếu không thực hiện ECMO với những trường hợp này, nguy cơ tử vong là mười mươi. Nhưng khi thực hiện sẽ đem lại thêm 30 - 40% cơ hội sống cho người bệnh. Vậy nên dù là một kỹ thuật tốn kém từ 300 - 500 triệu, bảo hiểm hầu như chưa chi trả nhưng còn cơ hội là còn phải cố, để mang lại cuộc sống cho người bệnh. Vì thế tôi mong rằng quỹ BHYT sẽ dần tiến tới chi trả một phần với những kỹ thuật mới để người bệnh có cơ hội được điều trị tốt hơn”, PGS Kính nói.
Hồng Hải