Thanh Hóa:

Cứu sống bệnh nhân đột quỵ bằng kỹ thuật lấy huyết khối cơ học

(Dân trí) - Một bệnh nhân bị đột quỵ não, tê yếu tay chân trái, miệng méo, nói khó, được gia đình đưa đến Khoa thần kinh, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa cấp cứu. Tại đây, bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp lấy huyết khối cơ học, đây là trường hợp đầu tiên tại Thanh Hóa được cứu sống bằng phương pháp này.

Ngày 24/4, thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết, các bác sĩ Khoa thần kinh vừa cứu sống một bệnh nhân bị đột quỵ não bằng kỹ thuật lấy huyết khối cơ học.

Bà Lê Thị Tới bị đột quỵ não được cứu sống bằng phương pháp lấy huyết khối cơ học
Bà Lê Thị Tới bị đột quỵ não được cứu sống bằng phương pháp lấy huyết khối cơ học

Trước đó, sáng ngày 17/4, trong khi đang đi chợ, bà Lê Thị Tới (70 tuổi, trú tại xã Hoằng Khê, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) đột ngột chóng mặt, choáng váng và quỵ xuống. Bà Tới được gia đình đưa đến Khoa thần kinh, Bệnh viện đa khoa tỉnh cấp cứu trong tình trạng tê yếu tay chân trái, miệng méo, nói khó.

Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị đột quỵ não cấp giờ thứ 2. Sau khi tiến hành chụp cắt lớp vi tính sọ não, bác sĩ xác định bệnh nhân không có xuất huyết não, ý thức lú lẫn, liệt 1/2 người trái, liệt dây thần kinh số 7 trung ương trái. Các bác sĩ đã sử dụng thuốc tiêu sợi huyết để điều trị.

Tiếp đó, bệnh nhân được chụp MSCT 128 lát cắt mạch não và dựng hình mạch máu não thấy hình ảnh tắc toàn bộ động mạch não giữa bên phải. Các bác sĩ hội chẩn, quyết định chuyển xuống phòng can thiệp mạch DSA, kíp can thiệp mạch não, Khoa thần kinh đã tiến hành luồn catherte vào động mạch đùi, tiếp cận được cục máu đông, sử dụng dụng cụ lấy huyết khối Solitaire để kéo huyết khối.

Sau hơn 2 giờ cấp cứu, kết quả đã thành công, tình trạng bệnh nhân tỉnh, không còn yếu liệt, bệnh nhân được chuyển về phòng bệnh tiếp tục theo dõi. Hiện bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, tự sinh hoạt đi lại bình thường và đã hồi phục ổn định.

Theo bác sĩ Nguyễn Hoành Sâm, Trưởng Khoa thần kinh, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa, trường hợp tắc mạch não lớn, việc sử dụng thuốc tan sợi huyết khó có thể tái thông, chỉ có thể sử dụng phương pháp lấy huyết khối cơ học thì khả năng thành công cao hơn nhiều.

Trường hợp bệnh nhân Lê Thị Tới nếu không được tái thông kịp thời thì nguy cơ tàn phế, thậm chí tử vong là rất cao. Đây là kỹ thuật cao lần đầu tiên được triển khai thành công tại Thanh Hóa.

Kỹ thuật cao này đòi hỏi chỉ định rất chặt chẽ, ngoài trang thiết bị hiện đại, trình độ chuyên môn của bác sĩ, một trong những yếu tố thành công là bệnh nhân phải đến viện càng sớm càng tốt, sau khi phát hiện đột quỵ trong khoảng thời gian 6 giờ đầu.

Cũng theo bác sĩ Sâm, với việc làm chủ được kỹ thuật lấy huyết cơ học, bệnh viện đã và đang giúp cho người bệnh thoát khỏi sự tàn phế và thậm chí tử vong.

Duy Tuyên