Cứu sống bé 2 tuổi suy đa phủ tạng vì ong đốt chi chít ở đầu

(Dân trí) - Đi qua vườn nhà bà, đến đúng vị trí tổ ong vò vẽ vừa rơi xuống, bé N.T.Minh (2 tuổi ở Thái Nguyên) bị cả đàn ong bám chi chít vào đầu. Nghe tiếng khóc thét của bé, mọi người chạy ra nhưng không đuổi được đàn ong đi…

Đến khi người chú nhanh trí chùm cả cái chăn lên đầu bé, lũ ong độc mới bị khuất phục, nhưng bé Minh cũng bị ngất đi vì đau đớn.

Sáng 19/7, ngay sau khi bị ong đốt gia đình đã đưa bé Minh đến Bệnh viện huyện Phúc Bình, rồi chuyển tới điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Nguyên. Nhưng do bệnh tình ngày một xấu hơn nên bé Minh đã được chuyển cấp cứu lên Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai vào ngày 20/7.
 
Các nốt ong đốt vẫn chưa lành trên đầu bệnh nhi
Các nốt ong đốt vẫn chưa lành trên đầu bệnh nhi

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: “Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nguy kịch, bán hôn mê, suy hô hấp, thở rất nhanh (80 lần/phút), da vàng toàn thân (chỉ số vàng da cao hơn 10 lần so với bình thường), đồng thời còn bị ứ mật, tan máu, các cơ vân bị hủy hoại... Đặc biệt, kết quả xét nghiệm cho thấy men gan tăng gấp hơn 800 lần so với bình thường (thể hiện tế bào gan bị phá hủy nặng nề). Đây là lần đầu tiên chúng tôi bắt gặp trường hợp có chỉ số men gen cao đến vậy, thậm chí tìm cả trên y văn thế giới cũng chưa từng thấy”, PGS.TS Dũng cho hay.

Bé Minh bị khoảng 60 nốt ong đốt, trong đó chủ yếu ở vùng đầu. Hậu quả của ong đốt là khiến bé bị tổn thương ở nhiều cơ quan nội tạng: Gan, máu, tim, phổi, tắc mật…nên quá trình điều trị cho bé Minh gặp rất nhiều khó khăn. “Trên một cơ thể trẻ suy dinh dưỡng, đã 2 tuổi mà chỉ nặng 10kg, sức đề kháng đã kém lại cùng lúc bị tổn thương quá nhiều nội tạng nên chúng tôi rất lo lắng cho tình trạng nhiễm trùng của bé.. Lúc này, việc chỉ định sử dụng kháng sinh hay lượng dịch truyền là một vấn đề không đơn giản vì phải đảm bảo sao cho không quá tải cho gan (khi gan đã bị thương tổn nặng nề) và thận của bệnh nhi nhưng lại phải đảm bảo đủ liều lượng hiệu quả để điều trị. Rất may sau 10 ngày điều trị thì bệnh có chiều hướng tốt lên, men gan hạ xuống. Nhưng men gan vừa hạ xuống thì bệnh nhân lại bị viêm phổi, sốt cao, suy hô hấp, lại phải tập trung dùng kháng sinh. Tình trạng viêm phổi nặng nề đến mức chính bản thân bác sĩ chúng tôi cũng không thể đưa ra tiên lượng gì sáng sủa cho bệnh nhi”, BS Dũng nói.
 
Bệnh nhi đã trải qua quá trình điều trị kéo dài, lắm lúc tưởng chừng không qua khỏi.
Bệnh nhi đã trải qua quá trình điều trị kéo dài, lắm lúc tưởng chừng không qua khỏi.

Chị Chu Thị Khuê, mẹ cháu Minh vẫn không khỏi hãi hùng khi nhớ lại sự việc xảy ra. Chị kể: “Sáng 19/7, chị vừa ra khỏi nhà chừng 10 phút, quay về đã thấy các chú bế con mình đi cấp cứu. Từ lâu, tổ ong vò vẽ đã ở trên cây vườn nhà bà, có lần cả gia đình đã chọc rơi tổ để ong bay đi nhưng nó lại làm tổ lại. Không ngờ lần này, đứa anh họ của bé Minh chọc rơi tổ, đến lúc bé Minh đi qua thì nó bâu lại đốt. Khi vào viện, bác sĩ nói con rất nguy kịch, chúng tôi vô cùng lo lắng, nhưng giờ, may mắn qua hơn 1 tháng, cháu đã bình phục”.

Theo TS Dũng, ong đốt là tai nạn khá hay gặp ở trẻ em, từ đầu năm đến nay khoa cũng tiếp nhận 4 - 5 ca bị ong đốt nhưng chưa ca nào nặng nề như trường hợp của bé Minh. Các ca trước đó chỉ 1 - 2 tuần là bệnh nhi được xuất viện, nhưng ca bệnh này, trải qua đúng 30 ngày điều trị chúng tôi mới dám tin là cháu đã vượt qua được cửa tử”, TS Dũng vui mừng nói.

Bài và ảnh: Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm