1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cứu sống 3 trường hợp trẻ bị suyễn cơn nặng, nguy kịch

(Dân trí) - Trong tuần qua khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện Nhi đồng 1, tiếp nhận liên tiếp ba trường hợp trẻ bị hen suyễn nặng đến mức nguy kịch, trong đó trẻ nhỏ tuổi nhất chưa được 2 tuổi.

  

3 bệnh nhi đang được điều trị tích cực tại BV Nhi đồng 1

3 bệnh nhi đang được điều trị tích cực tại BV Nhi đồng 1

 
Đó là các trẻ V.N.Kh. (12 tuổi, nam), Ng. H. G. H. (3,5 tuổi, nam), bé Ng. N. B. (23 tháng tuổi), nhập viện trong tình trạng khó thở tím tái.

 

Khai thác bệnh sử ghi nhận trẻ Kh. 12 tuổi có tiền sử bệnh hen suyễn lúc 5 tuổi, nhưng không tái khám quản lý hen suyễn đều đặn, trong khi hai trẻ H.23 tháng và B 2,5 tuổi có tiền sử hay khò khè, riêng trẻ B. sống trong gia đình có ba hút thuốc lá, thường ôm hôn, nựng B.

 

Tại khoa cấp cứu bệnh viện Nhi đồng 1, các trẻ đều biểu hiện khó thở, co kéo lồng ngực, tím tái, nghe phổi nhiều ran rít ngáy cho thấy đường thở bị co thắt nặng,  độ bảo hòa oxy trong máu (SpO2) chỉ 84-88%% (bình thường 92-96%).

 

Cả ba trẻ đều được các bác sĩ chẩn đoán suyễn cơn nặng, được điều trị ngay lập tức với thở oxy, khí dung salbutamol phối hợp ipratropium 3 lần liên tiếp cách mỗi 20 phút và corticoid đường toàn thân.

 

Sau điều trị ban đầu như trên, tình trạng các cháu diễn tiến vẫn còn nặng nên được tiếp tục khí dung salbutamol, ipratropium, corticoid đường toàn thân và truyền tĩnh mạch thuốc magnesium sulfate - một loại thuốc hiện nay được khuyến cáo chọn lựa để điều trị cắt cơn suyễn sau thất bại điều trị ban đầu. Diễn tiến các trẻ biểu hiện cơn khó thở dai dẵng, phải hỗ trợ hô hấp với thở áp lực dương liên tục, truyền tĩnh mạch diaphylin và  salbutamol. Kết quả sau 3-5 ngày điều trị các trẻ cải thiện dần, được tiếp tục theo dõi và điều trị tại khoa Hô hấp.

 

Qua 3 trường hợp trên, bác sĩ Minh Tiến, bệnh viện Nhi đồng 1, khuyên các phụ huynh có con em bị suyễn cần lưu ý giữ ấm trẻ, và tránh cho trẻ tiếp xức với các yếu tố kích phát cơn suyễn như chó mèo, khói thuốc lá, bụi nhà, thú nhối bông, mền lông,... để giảm nguy cơ khởi phát cơn suyễn giúp trẻ bệnh suyễn học tập sinh hoạt như bình thường, hoà nhập với cộng đồng mà không mặc cảm, tự ti về bệnh suyễn của mình. Ngoài ra, nên đưa trẻ đến các trung tâm để được hướng dẫn cách chăm sóc phòng ngừa bệnh suyễn tại nhà cũng như nhận biết các dấu hiệu nặng để đưa các cháu đến bệnh viện sớm.

 

Bé B. 23 tháng, nữ, chẩn đoán suyễn cơn nặng, nhập viện trong tình trạng tím tái, khó thở, được điều trị tích cực, khí dung thuốc dãn phế quản

 

Bé H. 3,5 tuổi, nam, chẩn đoán suyễn cơn nặng, nhập viện trong tình trạng tím tái, khó thở, được điều trị tích cực, khí dung thuốc dãn phế quản

 

Bé Kh. 12 tuổi, nam, chẩn đoán suyễn cơn nặng, nhập viện trong tình trạng tím tái, khó thở, được điều trị tích cực, Kh. cải thiện dần

 

Theo BS Minh Tiến

BV Nhi đồng 1