Cuộc vận động ‘Người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt’ sau 10 năm nhìn lại
(Dân trí) - Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” sẽ tổng kết hành trình 10 năm vào ngày 18/7 tại Hà Nội, qua những con số đánh giá hiệu quả tích cực của thuốc nội tại các cơ sở khám chữa bệnh.
11h sáng, quầy dược Bệnh viện C Đà Nẵng đông nghịt người xếp hàng mua thuốc theo đơn. Ông Trần Tiến (43 tuổi) vừa mua xong đơn thuốc tim mạch trị giá 470.000 đồng, trong đó, hơn nửa số thuốc là do Việt Nam sản xuất. Đứng ngay sau ông là chị Mỹ Thoa (31 tuổi) chờ lấy thuốc trị bệnh viêm phổi cho con, cả kháng sinh lẫn hạ sốt đều là thuốc nội, song chị cho biết: “Trộm vía đợt ốm trước, bé khỏi dứt điểm, mẹ cũng bớt đau ví”.
Là bệnh viện huyết mạch của 13 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên với quy mô 1.000 giường nội trú, số lượng thuốc nội Bệnh viện C Đà Nẵng kê đơn cho người bệnh hiện đã đạt trên 42%, giúp giảm đáng kể gánh nặng chi phí cho người bệnh.
Tiến sĩ Nguyễn Tấn Dũng - Phó Giám đốc Bệnh viện C Đà Nẵng cho biết, đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” được bệnh viện triển khai từ năm 2012. Để đảm bảo hiệu quả điều trị, bệnh viện đã thành lập ban chỉ đạo tuyển chọn các thuốc nội đạt tiêu chuẩn châu Âu EU-GMP hoặc PIC/S-GMP (nhóm 1 và 2), hoặc ít nhất đạt chuẩn GMP-WHO (nhóm 3). Bên cạnh đó, bệnh viện cũng trao đổi với các cơ sở y tế khác, chia sẻ kinh nghiệm sử dụng và kê đơn thuốc nội được nghiên cứu lâm sàng, cho hiệu quả điều trị thực tiễn cao.
Bệnh viện C Đà Nẵng là một trong những bệnh viện Trung ương (trực thuộc Bộ Y tế) đã báo cáo tham gia đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”, phát động từ năm 2009. Sau 10 năm, nhiều bệnh viện đã có trị giá sử dụng thuốc nội rất cao, như: Bệnh viện 71 Trung ương Thanh Hóa (52,80%), Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (42,79%), Bệnh viện Phong da liễu Trung ương Quy Hòa (42,39%), Bệnh viện Phong da liễu Trung ương Quỳnh Lập (41,6%)… vượt mức mục tiêu đề ra đến năm 2020 của bệnh viện tuyến trung ương là 22%. Tổng trị giá thuốc nội mà 31 bệnh viện trung ương tiêu thụ năm 2018 đạt 846 tỷ đồng.
Tại 2 thành phố lớn Hà Nội và TP HCM, các bệnh viện Trung ương tuyến cuối cũng đang tăng dần tỷ lệ kê đơn thuốc nội. Nhiều bệnh viện đã chỉ đạo ưu tiên mua sắm thuốc sản xuất trong nước, sau đó mới đến thuốc cùng loại nhập khẩu. Tại BV Hữu nghị Việt Đức, hai kháng sinh sử dụng nhiều nhất là Cefotaxim và Metronidazol dạng tiêm đều do Việt Nam sản xuất.
Nếu tỷ lệ sử dụng thuốc nội ở các bệnh viện TW còn khiêm tốn, thì tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh và tuyến huyện, con số này ở mức rất cao. Năm 2018, hơn 50% địa phương trên cả nước có tỷ lệ toàn tỉnh sử dụng thuốc nội trên 50% (tính theo giá trị tiền thuốc) phải kể đến là Phú Yên (87%), Quảng Bình (77%), Hậu Giang (75%), Kon Tum (76%), Long An (70%), Ninh Thuận (75%)...
Thuốc sản xuất trong nước hiện có giá thấp hơn nhiều so với thuốc nhập khẩu. Nhiều sản phẩm có hiệu quả điều trị tương đương biệt dược gốc. Thuốc nội đã đáp ứng đầy đủ 27 nhóm dược lý theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới. Tính đến tháng 6/2019, đã có 652 sản phẩm thuốc trong nước được chứng minh tương đương sinh học thuốc biệt dược gốc, thuốc phát minh nước ngoài.
Đặc biệt, cả nước hiện có 198 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP-WHO và 11 dây chuyền đạt tiêu chuẩn châu Âu EU-GMP, PIC/S-GMP hoặc Japan-GMP. Điều này chứng tỏ thuốc Việt đang ngày càng chứng tỏ chất lượng quốc tế và lợi thế giá cả ngay trên “sân nhà”.
Hiện, thuốc sản xuất trong nước đã đảm bảo 50% nhu cầu sử dụng thuốc xét theo giá trị tiền thuốc, chủ yếu là thuốc generic (thuốc gốc). Việt Nam cũng đã sản xuất và cung cấp đủ 12/13 loại vắc xin cho chương trình tiêm chủng mở rộng của quốc gia.
Ông Nguyễn Đăng Hiền - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vắcxin và Sinh phẩm y tế (Polyvac) cho biết, doanh nghiệp hiện đã sản xuất và cung ứng đủ 4 loại vắcxin chất lượng cao ngừa bại liệt, sởi, rota virus và rubella cho chương trình tiêm chủng. Được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Polyvac đã đầu tư 4 dây chuyền sản xuất đạt chuẩn GMP-WHO, tự chủ nguồn vắcxin trong nước và giảm phụ thuộc vào nước ngoài.
Nhiều thành tựu của đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” sau 10 năm sẽ được tổng kết vào ngày 18/7 tới đây. Tại hội nghị, đại diện các sở ban ngành y tế, các bệnh viện và doanh nghiệp dược cũng sẽ đưa ra những giải pháp mới, nhằm sớm đạt được mục tiêu Chiến lược phát triển ngành dược Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 của Thủ tướng Chính phủ.