Cùng tiếp xúc với tác nhân gây ung thư, vì sao không phải ai cũng mắc bệnh?
(Dân trí) - Nghiên cứu vừa được công bố chỉ ra rằng, một số loại đột biến gen nhất định có thể khiến con người dễ bị tổn thương hơn bởi các tác nhân gây ung thư.
Một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Nature Reviews Cancer, của các nhà khoa học đến từ Trung tâm Ung bướu của Đại học Hawaii (Mỹ) đã chỉ ra rằng, một số loại đột biến gen nhất định có thể khiến con người dễ bị tổn thương hơn bởi các tác nhân gây ung thư.
Công trình khoa học được thực hiện bởi TS Michele Carbone và cộng sự đã đánh giá về các bằng chứng khoa học, được công bố trong thời gian gần đây, chỉ ra rằng, hầu hết các trường ung thư là kết quả của sự tương tác giữa kiểu gen của một người và các yếu tố gây ung thư từ môi trường mà người đó phơi nhiễm.
Qua nghiên cứu, nhóm tác giả đi đến kết luận rằng, nguy cơ khởi phát ung thư từ việc phơi nhiễm với một yếu tố gây ung thư nào đó của mỗi người là không giống nhau. “Chính vì sự đột biến gen mà một số người sẽ nhạy cảm với các tác nhân gây ung thư hơn những người khác” - TS Michele Carbone nhận định.
Cũng theo nhóm tác giả, dựa trên nền tảng của nghiên cứu này, các bác sĩ có thể đề ra phương án phòng ngừa ung thư hiệu quả hơn, cũng như khoanh vùng được nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư, chỉ bằng cách xác định sự hiện diện của các đột biến gen trong bảng mã di truyền của họ.
Được biết, đây là lần đầu tiên, vai trò của tương tác gen – môi trường đối với ung thư được đánh giá ở cấp độ phân tử. Theo nhận định của giới chuyên môn, kết quả của công trình này sẽ là nền tảng cho rất nghiên cứu, cũng như ứng dụng trong phòng chống và điều trị ung thư.
Minh Nhật
Theo MedicalXpress