Cua, ốc đông lạnh, nước xương thối, vẫn tấp nập người ăn

Cua, ốc đóng đá chan nước xương trữ từ trước Tết đến Rằm tháng Giêng, thả nhiều hành, thơm để át mùi thiu. 40.000 đồng/bát, thực khách vẫn chen chân húp xì xụp để thoả nhu cầu giải "háo".

Cua, ốc đông lạnh, nước xương thối, vẫn tấp nập người ăn  - 1

Ốc còn đóng đá được bày trên quầy bún ốc trong ngõ phố Lương Định Của
Rùng mình thực phẩm "đông lạnh"
 
Mùng 7 Tết, anh Dương (ở Hà Nội) cùng bạn gái ra quán ăn quen chuyên bán mỳ vằn thắn trên phố Mai Hắc Đế để "đổi vị". Vẫn bát mỳ dậy mùi tôm khô như mọi khi nhưng ngay miếng đầu tiên họ đã lợm giọng vì mùi hôi của miếng thịt xá xíu. Ngay cả thịt trong miếng há cảo cũng không thơm ngon như thường lệ. Hai người đành bấm bụng bỏ đi.

Cũng không khá gì hơn, mùng 9 Tết, Thảo rủ bạn đi ăn bún ốc chuối đậu trước khi về lại Sài Gòn công tác. Đến một quán khá đông khách trong ngõ phố Lương Định Của, Thảo thấy miếng giò tai có mùi lạ, vị chua khó nuốt. Bát bún của bạn cô, miếng đậu phụ rán chua loét như đã được để lâu ngày. Khi đứng lên trả tiền Thảo rùng mình thấy bát thịt ốc còn đóng đá được người bán hàng ngang nhiên bày trên quầy.

Giải thích tình trạng làm đông lạnh nguyên liệu chế biến hàng quà, bà Hương, tiểu thương chợ Nguyễn Công Trứ cho biết xương hay cua, ốc đầu năm khá đắt và còn đội giá đến Rằm tháng Giêng. Nên các bà hàng thường phải sơ chế qua, rồi trữ nguyên liệu trong tủ đá từ trước Tết, bán dần trong nửa tháng đầu năm. Thậm chí nếu tủ lạnh không đủ chỗ, các bà hàng thường đành để xương lợn ở ngoài.

"Đứng cạnh mấy nồi xương ở quán bún ốc trước cửa mấy hôm Tết thấy mùi thiu thiu chua chua mà ghê cả giọng. Nhưng thả thật nhiều hành, tía tô, nước dùng lại thơm lừng, đố khách nào phát hiện ra", bà Hương nói.

"Xuân chặt chém"

Mặc dù đã kết thúc kì nghỉ Tết, các hoạt động trở lại bình thường nhưng giá cả hàng quà đầu năm vẫn gấp 1,5 - 2 lần so với ngày thường. Còn những quán ăn đông khách, có tiếng như bún ốc Hoè Nhai, bún cá Hàng Đậu, giá cũng "đội" khoảng 5.000 đồng/suất, với lý do "còn Tết".

Chị Thuỳ Linh (ở Hà Nội) cùng các bạn đồng nghiệp đi ăn trưa tại một quán bún ốc trông "khá sạch sẽ và sang trọng" ở phố Mai Hắc Đế kể: "Bát bún chỉ có khoảng 3 con ốc và lèo tèo vài miếng thịt bò. Ốc thì vừa dai mà lại còn tanh, nhưng nhà hàng chém đẹp 160 nghìn đồng/4 bát.

Còn bát mỳ vằn thắn mà anh Dương phải thanh toán cũng đắt gấp 1,5 lần, trong khi cô bán hàng niềm nở rỉ tai: "Giá dành cho khách quen!".

Sau nhiều lần ăn phải "hàng giá cao" sau Tết, chị Loan, chủ cửa hàng thời trang trên phố Tô Hiến Thành tự đúc kết kinh nghiệm: Không ăn những hàng mở ra thời vụ, vừa dở lại còn bị "chém đẹp". Tốt nhất là nên hỏi giá trước khi ăn để đỡ phải rước bực vào thân".

Vào quán, lui cui tìm... chứng nhận an toàn thực phẩm?

Theo thống kê của Cục VSATTP năm 2007, có tới 85,6% hộ gia đình cá thể tham gia chế biến thực phẩm không đạt yêu cầu VSATTP. Hà Nội có khoảng 17.000 cơ sở dịch vụ thức ăn đường phố nhưng mới được cấp phép 300 cơ sở.

ThS.DS Nguyễn Thanh Phong, Phó cục trưởng Cục ATVSTP (Bộ Y tế) khuyến cáo người tiêu dùng chỉ nên sử dụng thực phẩm tại các hàng quán có chứng nhận đạt tiêu chuẩn ATVSTP (những cơ sở đã được chứng nhận thường dán bảng này). Càng nên thận trọng khi lựa chọn quán ăn an toàn vệ sinh bởi sau Tết là mùa lễ hội, nhu cầu sử dụng thực phẩm cao; kèm theo đó, lượng rác thải, nguy cơ mất vệ sinh cũng tăng.

Vị đại diện Cục ATVSTP cũng khuyến cáo cẩn trọng khi ăn các loại hạt dầu như đỗ, lạc, điều... bởi trong thời tiết ẩm mốc, đặc biệt thời tiết miền Bắc, các loại hạt này rất dễ mốc và chứa nhiều loại độc tố nguy hiểm.

Cục ATVSTP thì cứ khuyến cáo, cứ đề nghị nhưng khách hàng có tìm nổi (hoặc có ý thức tìm, chọn) quán hàng dán bảng bảo đảm vệ sinh, an toàn hay không, và nhà hàng có quyết tâm nói "không" với nguyên liệu, thực phẩm bẩn hay không, có trời mới biết.

Theo Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm