Huế:
Công bố nhiều tiến bộ mới trong phẫu thuật, điều trị ít xâm lấn Gan mật tụy
(Dân trí) - Trong 2 ngày 20,21/6 tại TP Huế, hội thảo khoa học “Tiến bộ mới trong Phẫu thuật và Điều trị ít xâm lấn bệnh lý Gan mật tuỵ” đã quy tụ những báo cáo về tiến bộ mới nhất trong lĩnh vực gan mật tụy.
Hội thảo do Bệnh viện Trung ương và Hội Gan mật Việt Nam, Phân hội Phẫu thuật Gan mật tuỵ Việt Nam đồng tổ chức. Tại Bệnh viện Trung ương Huế sáng và chiều 20/6 đã có chương trình đào tạo liên tục với trình diễn các ca mổ và kỹ thuật ít xâm lấn cho các bác sĩ chuyên ngành gan mật tuỵ.
Vào tối 20/6 đã khai mạc Hội thảo Khoa học “Tiến bộ mới trong phẫu thuật và điều trị ít xâm lấn bệnh lý gan mật tuỵ” cùng các Lễ Ra mắt, công bố Phân hội Phẫu thuật Gan mật tuỵ Việt Nam là thành viên chính thức của Hiệp hội Gan mật tuỵ Quốc tế và Hội Gan mật tuỵ châu Á - TBD, Ra mắt BCH Hội Gan mật Miền Trung - Tây Nguyên, Khai trương Trang Thông tin điện tử của Hội Gan mật VN và Phân hội Phẫu thuật Gan mật tuỵ Việt Nam.
Ra mắt Phân hội phẫu thuật Gan mật tụy Việt Nam
Chương trình khoa học của Hội thảo ngày 21/6 rất phong phú với hơn 60 báo cáo khoa học trong nước và quốc tế, với gần 350 đại biểu từ khắp mọi miền đất nước tới tham dự mang đến nhiều đóng góp quý báu.
Các bác sĩ phẫu thuật ít xâm lấn trong phòng mổ và hình ảnh được truyền ra ngoài cho các đại biểu xem
Hội thảo đề cập đến nhiều vấn đề mới, các tiến bộ trong ghép gan, ghép tuỵ và ghép tạng ở Việt Nam, những kinh nghiệm trong ghép gan từ người cho sống ở nước ta, ứng dụng các phẫu thuật nội soi, phẫu thuật Robot và các cải tiến, tiến bộ về kỹ thuật trong mổ cắt gan, trong cắt khối tá tuỵ và các bệnh lý đường mật.
Nhiều tiến bộ mới trong lĩnh vực Gan mật tụy được phổ biến
Đặc biệt có nhiều báo cáo về các kỹ thuật, công nghệ mới của Việt Nam và quốc tế trong điều trị ít xâm lấn bệnh lý gan mật tuỵ như ứng dụng dao Nano, kỹ thuật tiêu huỷ u bằng điện xung không đảo ngược, cấy hạt phóng xạ trong điều trị, nút mạch xạ trị trong với Yttrium 90, xạ trị lập thể định vị thân, sử dụng sóng cao tần, vi sóng, laser … trong điều trị mang lại nhiều hiệu quả và chất lượng cao trong điều trị người bệnh gan mật tuỵ.
Theo GS.TS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, hội thảo “Tiến bộ mới trong Phẫu thuật và Điều trị ít xâm lấn bệnh lý Gan mật tuỵ” tại TP Huế lần này với rất nhiều báo cáo hay, cập nhật của các cơ sở y tế trong nước và quốc tế cũng như giới thiệu nhiều kỹ thuật, công nghệ mới, hiện đại là dịp các thầy thuốc chuyên ngành Gan mật tuỵ cùng nhau giao lưu, học tập, chia sẻ kinh nghiệm và cập nhật các kiến thức, công nghệ mới cũng như mở rộng quan hệ hợp tác nhằm giúp xây dựng, phát triển Hội Gan mật Việt Nam, Phân hội Phẫu thuật Gan mật tuỵ Việt Nam và Bệnh viện Trung ương Huế ngày càng lớn mạnh, góp phần xứng đáng trong sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.
Hội thảo được xem là cực kỳ hữu ích khi Việt Nam chiếm tỷ lệ tử vong về ung thư gan nhiều nhất trong các loại tử vong
Được biết Việt Nam là nước nằm trong vùng có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan cao trên Thế giới. Cùng với việc tiêu thụ nhiều rượu bia và các vấn đề về môi trường, thực phẩm … nên hiện nay trong các loại ung thư ở nước ta thì ung thư gan đã chiếm nhiều nhất, gây tử vong hàng năm khoảng hơn 25.000 trường hợp (gấp 3 số tử vong hàng năm do tai nạn giao thông ở Việt Nam) cùng với nhiều bệnh lý khác về viêm gan, xơ gan, bệnh lý mật tuỵ đã và đang là những thách thức to lớn đối với nền y tế nước nhà và chuyên ngành gan mật của nước ta.
Chuyên ngành Gan mật của Việt Nam có truyền thống lịch sử đáng tự hào với các công trình cắt gan nổi tiếng Thế giới của GS Tôn Thất Tùng và sau này được tiếp nối bởi các nhà khoa học danh tiếng. Nhiều công trình lớn về gan mật đã được ứng dụng thực tiễn có hiệu quả cao và được tôn vinh với nhiều giải thưởng cao quý ở trong nước và Quốc tế.
350 đại biểu từ khắp mọi miền đất nước tại hội thảo bàn về Gan mật tụy
Hội Gan mật Việt Nam được thành lập năm 2001 với sự tham gia của nhiều thầy thuốc, nhà khoa học của nhiều chuyên ngành như nội gan mật, tiêu hoá, truyền nhiễm, ngoại gan mật tuỵ, ngoại chung, ung bướu, y học cổ truyền, giải phẫu bệnh … và nhiều nhà hoạt động khác. Đại hội đại biểu Hội Gan mật Việt Nam lần thứ IV tháng 10/2018 tại Hà Nội đã bầu Ban Chấp hành mới (nhiệm kỳ 2018-2023) do Thiếu tướng GS.TS. Lê Trung Hải đứng đầu. Phân hội Phẫu thuật Gan mật tuỵ Việt Nam đã được thành lập với sự tham gia chủ yếu là các bác sĩ, phẫu thuật viên trẻ. Hội Gan mật Việt Nam đã tổ chức các Hội nghị Ra mắt Ban Chấp hành Hội khu vực phía Bắc, phía Nam và miền Trung - Tây Nguyên, trao các Quyết định, thảo luận Chương trình hoạt động nhiệm kỳ và Hội nghị Thường vụ mở rộng.
Trong giữa tháng 4/2019, Đoàn đại biểu Việt Nam đã tham gia Hội thảo chuyên đề của Hội Gan mật châu Á - Thái Bình Dương (APASL) với chủ đề về Miễn dịch và Gien của gan (Liver Immunology & Genetics) diễn ra tại Tokyo, Nhật Bản. Việt Nam đã tham gia báo cáo khoa học tại đó và trong Hội thảo này có nhiều báo cáo hàng đầu Thế giới, nhất là về Miễn dịch trị liệu (chủ đề đã đạt Giải thưởng Nobel Y học 2018).
GS K.Madhavan, Hiệp hội Gan mật tuỵ Quốc tế báo cáo
Ngày 23/4/2019 Hiệp hội Gan mật tuỵ Quốc tế (IHPBA) và Hội Gan mật tuỵ châu Á - Thái Bình Dương (A-PHPBA) đã chính thức công nhận Phân hội Phẫu thuật Gan mật tuỵ Việt Nam (VSHBPS) là thành viên chính thức của IHPBA / A-PHPBA và đã cử đại diện là GS K.Madhavan tới tham dự và có báo cáo tại Hội thảo này ở Huế. Đầu tháng 6 vừa qua, nhân dịp dự Hội thảo Quốc tế về Phẫu thuật Gan mật tuỵ ở Amsterdam, Hà Lan, Lãnh đạo Hiệp hội Gan mật tuỵ Quốc tế đã chào đón và xây dựng kế hoạch giúp đỡ hỗ trợ cho Việt Nam. Đây là niềm vinh dự, tự hào to lớn cho chuyên ngành phẫu thuật gan mật tuỵ và là cơ hội cho Việt Nam học tập, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác quốc tế.
Ban chấp hành Hội Gan mật Miền Trung- Tây Nguyên ra mắt tại lễ khai mạc hội thảo
Đại Dương