1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Coi chừng tai nạn khi... ăn uống!

"Tai nạn" trong ăn uống là trường hợp rất thường gặp, đặc biệt là những dịp lễ tết. Từ hóc xương cá, xương gà, cho đến hóc hạt dưa, hạt quả... Không chỉ rơi vào thực quản, nhiều trường hợp dị vật còn rớt cả vào đường thở, cực kỳ nguy hiểm, được xem là tối cấp cứu!

"Tai nạn" xảy ra ở cả người lớn và trẻ con

 

Mới đây nhất, khoa Tai - mũi - họng của Bệnh viện (BV) Nhi đồng I (TPHCM) tiếp nhận bé Võ Thị Thu Trang, 5 tuổi (nhà ở tỉnh Lâm Đồng) vào viện do không ăn uống được, sốt cao. Các bác sĩ đã chụp phim và phát hiện một mảnh xương heo móc vào thực quản, gây áp xe và làm thủng thực quản nghiêm trọng. Hiện, Thu Trang vẫn đang được điều trị tại BV với thuốc kháng sinh rất mạnh, chi phí rất tốn kém.

 

Vào chiều tối 8/1, khoa Tai - mũi - họng của BV Nhi đồng II (TPHCM) tiếp nhận bé Nguyễn Minh Quang, 3 tuổi (ngụ ở Q.Thủ Đức, TPHCM) bị hóc đuôi tôm lọt vào đường khí quản, trong tình trạng nguy kịch, khò khè, khó thở, toàn thân tím tái. Các bác sĩ đã cấp tốc đưa bé lên phòng mổ để nội soi thanh quản, khí quản để gắp đuôi tôm ra kịp thời. Trường hợp này, theo bác sĩ Quách Ngọc Minh (người đã xử trí cho bé Quang), nếu không xử trí kịp sẽ rất dễ dẫn đến tử vong vì ngạt thở! Do vội vã ăn để được đi chơi, nên Quang đã nuốt cả con tôm và bị tai nạn!

 

Trước đó, khoa Tai - mũi - họng của BV Chợ Rẫy (TPHCM) tiếp nhận một trường hợp tai nạn trong ăn uống là chị Ng.Q.Tr., 45 tuổi (nhà ở tỉnh Long An) bị hóc một cái xương cá khá to, vào viện trong tình trạng sốt cao, người mệt mỏi, không ăn uống được, cổ sưng vù... Trường hợp này, do vào viện trễ (4 ngày sau hóc), nên đã bị viêm nhiễm, mưng mủ, áp xe, các bác sĩ phải phẫu thuật để dẫn lưu áp xe và nội soi thực quản để gắp xương ra...

 

Cách xử trí cấp thời khi bị hóc dị vật vào đường thở (áp dụng đối với trẻ từ 12 tuổi và người lớn):

 

Đó là nghiệm pháp Heim Lich. Nghiệm pháp này giúp tăng áp lực trong buồng phổi để tống dị vật ra ngoài. Cách thực hiện: Đứng sau lưng trẻ, hai tay vòng ra phía trước, đan chéo nhau rồi đặt lên vùng thượng vị (chấn thủy) và giật mạnh vào để tống dị vật ra. Với trẻ nặng ký quá hoặc người lớn thì cho nằm sấp xuống, đầu nghiêng một bên. Để hai bàn tay vuông góc nhau và ấn lên chỗ chấn thủy, rồi đẩy mạnh đột ngột từ 3 - 5 cái để đẩy dị vật ra.

Các loại hóc thường gặp trong những ngày Tết

 

Theo các bác sĩ tai - mũi - họng, hóc xương cá, xương heo, xương gà là những loại hóc thường gặp khi ăn uống. Nhưng ba ngày Tết, còn có thêm nhiều loại hóc bởi hạt dưa, hạt hướng dương, hạt bí và các loại hạt trái cây khác như hạt mãng cầu, hạt sapôchê, hạt vú sữa... mà trong những ngày Tết lượng sử dụng nhiều hơn (thường các hạt hay rơi vào đường thở và được xem là tối cấp cứu).

 

Bác sĩ Phạm Thanh Sơn (khoa Tai - mũi - họng, BV Chợ Rẫy, TPHCM) cho biết, đêm trực 30 Tết năm nào cũng vậy, BV đều tiếp nhận không dưới 5 trường hợp bị tai nạn trong ăn uống. Do các gia đình thường làm cơm cuối năm đêm giao thừa nên người ta ăn uống nhiều, dễ xảy ra nhiều trường hợp bị tai nạn do không cẩn thận khi nhai nuốt.

 

Bác sĩ Lê Đình Trứ - Trưởng khoa Tai - mũi - họng, BV Nhi đồng II, TPHCM cảnh báo, trong ba ngày Tết, không nên cho trẻ nhỏ tự ăn hạt dưa, hạt bí... vì rất dễ bị hóc, nhất là hạt bị rớt vào đường thở, rất nguy hiểm. Nếu bé đang ngậm hạt gì đó thì hãy bình tĩnh, dụ bé nhả ra, đừng quýnh lên mà la ó, làm bé hoảng sợ, khóc, há miệng, tạo lực hút khiến hạt rất dễ rơi vào khí quản. Kể cả người lớn, trong lúc ăn uống mà cười giỡn cũng rất dễ bị hóc!

 

Những sai lầm thường gặp sau khi bị hóc xương, hóc hạt

 

Sai lầm của nhiều người sau khi bị hóc xương, hóc hạt là tự ý xử trí, cũng như để lâu mới đến bệnh viện, khiến bị viêm nhiễm, áp xe chỗ hóc. Bác sĩ Đặng Hoàng Sơn - Trưởng khoa Tai - mũi - họng (BV Nhi đồng I, TPHCM) nói: "Nhiều trường hợp trẻ bị hóc xương, hóc hạt, người lớn thường cố móc, có người còn đi tìm những người đẻ ngược để vuốt, hay bà mụ vườn để xử lý. Nhiều trường hợp do cố cào móc, khiến trẻ bị sưng phù nắp thanh thiệt, nắp thanh môn, phù thanh quản, gây bít đường thở rất nguy kịch!

 

Việc xử trí sai không chỉ gây nguy hiểm ở trẻ em, mà còn gây nguy hiểm cho cả người lớn. Trước đây, đã từng xảy ra một trường hợp tử vong không đáng có. Một anh kỹ sư của một BV ở TPHCM cũng bị hóc xương, đã cố lấy tay móc, mấy hôm sau bị sưng phù ở vùng cổ. Khi vào BV, các bác sĩ phải đặt ống nội khí quản, phải thở bằng máy, tình trạng bệnh bị biến chứng nặng và anh này đã tử vong một tháng sau đó".

 

Bác sĩ Phạm Thanh Sơn cho rằng: "Xử trí hóc xương bằng cách tìm người đẻ ngược để vuốt là cực kỳ phản khoa học. Một vài trường hợp nhẹ, xương nhỏ, chỉ vướng sơ, thì có thể nuốt cục cơm trắng, hay vuốt xuống (dân gian thường làm) có thể đẩy xương trôi xuống được, nhưng với xương lớn, vị trí mắc khó, thì không thể. Có người cố nuốt rau để đẩy xương, khiến rau đóng một cục chỗ xương hóc, làm viêm nhiễm.

 

Nhiều trường hợp bị hóc không sâu, không nghiêm trọng, nhưng do tự thọc ngón tay vào cào, móc khiến dị vật bị đẩy sâu vào trong làm nguy hiểm hơn. Cũng như nhiều trường hợp để quá lâu, nên chỗ hóc bị viêm, nhiễm trùng, áp xe. Thông thường cần đến BV để xử trí trước 24 giờ sau khi hóc (sau 24 giờ dễ bị viêm nhiễm).

 

Đối với hóc đường ăn uống, những triệu chứng thường gặp sau khi bị hóc là nuốt có cảm giác đau, vướng. Tùy theo vị trí mà mức độ đau khác nhau, nếu mắc xương cá nhỏ, găm vào amidan, họng, dưới đáy lưỡi thì đau ít, cảm giác nuốt vương vướng nhiều hơn. Nếu mắc xương gà, xương heo, xương mang cá, nằm ở vị trí sâu hơn (ở miệng của thực quản, hay trong lòng thực quản) thì nuốt rất đau và không ăn uống được nữa sau khi bị hóc. Những trường hợp này cần đến bệnh viện xử lý ngay.

 

Biến chứng do hóc xương gây nên, nếu nhẹ nhất cũng là viêm, áp xe mủ trong lòng thực quản; nặng hơn thì xương đâm xuyên qua thành thực quản, gây áp xe ở cổ; có những trường hợp xương hóc chui hẳn ra ngoài thực quản, đâm vào mạch máu lớn, làm chảy máu, rất dễ tử vong. Cũng có những trường hợp xương chui vào lồng ngực làm áp xe trung thất, áp xe màng phổi; mức độ tử vong ở những trường hợp này là rất cao.

 

Đối với trẻ nhỏ chưa nói được, thì những biểu hiện mà người lớn lưu ý là: khi được cho ăn, trẻ rất sợ và khóc, không chịu ăn, trẻ hay cào cào ở cổ, hay chảy nước miếng... thì cần đưa bé đi bác sĩ kiểm tra. Còn đối với trường hợp bị hóc hạt vào đường thở thì biểu hiện là ho sặc sụa, mặt tím tái, khó thở. Những triệu chứng này có thể ngưng, rồi một lát sau bị lại (do di chuyển của hạt).

 

Có trường hợp phải cắt một bên phổi chỉ vì một hạt trái cây lọt vào phổi làm áp xe, gây tắc lưu thông khí hoàn toàn một bên phổi! Có trường hợp hạt lọt vào trong phế quản, thì đỡ khó thở, nhưng lâu lâu lại bị ho từng cơn...".

 

Theo Thanh Tùng

Thanh niên