1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Có một dịch vụ... gửi tinh trùng

Đó là “cho, gửi tinh trùng”. Nhờ dịch vụ này của Bệnh viện (BV) phụ sản Từ Dũ và BV Hùng Vương (TP.HCM), nhiều cặp vợ chồng không còn bận tâm tính toán thời điểm “gặp gỡ” để đứa con hình thành.

Chưa vợ cũng... gửi

 

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Sương, Trưởng khoa Hiếm muộn BV Hùng Vương, cho biết nhiều trường hợp các cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh nhưng ông chồng liên tục đi công tác xa, giải pháp gửi tinh trùng giúp cho việc điều trị thuận tiện hơn.

 

Ông KCT (quận Tân Phú, TP.HCM) cùng vợ điều trị bệnh vô sinh tại BV Hùng Vương một thời gian dài. Tháng 3, trước khi qua Canada công tác, ông gửi lại hai mẫu tinh trùng. Hai tháng sau, đến thời điểm thích hợp, BV lấy mẫu tinh trùng của ông để thụ tinh. Kết quả thành công tốt đẹp.

 

Cũng theo bác sĩ Sương, người nước ngoài cũng “kết” dịch vụ gửi tinh trùng. Mới cưới cô vợ ở Việt Nam chưa đầy một tháng, do chuyện kinh doanh, ông MK (Pháp) phải bay về nước. Trước khi lên máy bay, ông MK gửi lại BV hai mẫu tinh trùng. Một tháng sau, người vợ báo tin kết quả siêu âm cho thấy vừa đậu thai.

 

Không riêng các cặp điều trị vô sinh, những bệnh nhân phải điều trị bệnh lý hoặc phải phẫu thuật ở vùng “nhạy cảm” đều gửi tinh trùng nhằm... phòng hờ. Không ít trường hợp thanh niên mới hơn 20 tuổi bị ung thư tinh hoàn, trước khi thực hiện hóa trị, xạ trị cũng gửi tinh trùng. “Sau khi phẫu thuật hoặc hóa trị, xạ trị thì chất lượng tinh trùng ít nhiều bị ảnh hưởng nên họ gửi trước tinh trùng, đến khi cần thì lấy ra sử dụng, chất lượng bảo đảm hơn”, bác sĩ Sương giải thích.

 

Trường hợp của VTH (21 tuổi) bị BV Bình Dân chẩn đoán ung thư tinh hoàn. Tháng 10/2006, trước khi thực hiện xạ trị, H. gửi ba mẫu tinh trùng “xịn” của mình vào BV Hùng Vương. Đến khi cưới vợ, H. nhờ BV chuyển giao tinh trùng vào người vợ. Đến nay thai nhi trong bụng vợ H. phát triển bình thường, khỏe mạnh.

 

Một nhu cầu có thật

 

Tại hai BV phụ sản trên, mỗi ngày có từ ba đến bốn người đến đăng ký gửi tinh trùng. Trước khi nhận “hàng”, BV xét nghiệm máu, mẫu tinh trùng của người gửi, nếu đạt yêu cầu BV mới thực hiện lưu trữ. “Tỷ lệ thụ thai trên tinh trùng gửi đông khoảng 20% - 25%”. Bác sĩ Sương cho biết: Về phí lưu trữ, tháng đầu tiên là 200.000 đồng/mẫu tinh trùng, từ tháng thứ hai trở đi là 50.000 đồng. Thời gian lưu trữ không giới hạn.

 

Riêng tại BV phụ sản Từ Dũ, theo bác sĩ Lê Tấn Cảnh, Trưởng phòng Nam khoa -khoa Hiếm muộn, giá lưu trữ tháng đầu tiên là 150.000 đồng/mẫu tinh trùng, từ tháng thứ hai trở đi là 50.000 đồng. Thời gian lưu trữ giới hạn trong hai năm. “Sau hai năm, chúng tôi xem xét từng trường hợp và quyết định có lưu giữ tiếp nữa hay không. Nếu người gửi vẫn trong giai đoạn điều trị bệnh lý có ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng thì sẽ lưu giữ tiếp, còn không có lý do chính đáng thì BV từ chối”, bác sĩ Cảnh lưu ý.

 

Theo các bác sĩ chuyên khoa, sau khi rã đông, chất lượng tinh trùng có giảm nên việc hướng dẫn quý bà phương pháp để có khả năng đậu thai là rất quan trọng. Hiện có hai cách thụ tinh nhân tạo. Một là bơm tinh trùng vào buồng tử cung (tỷ lệ thành công 10% - 15%) với chi phí khoảng ba triệu đồng. Hai là thụ tinh trong ống nghiệm (tỷ lệ thành công 30%-35%) với chi phí gần 40 triệu đồng. Có thể do chi phí bơm tinh trùng nhẹ hơn nên các ông chồng chọn phương án gửi tinh trùng.

 

Theo Trần Ngọc

Pháp luật TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm