Có không chuyện đánh thuốc mê, thôi miên lừa lấy vàng?
Dư luận những ngày qua khá xôn xao về vụ cướp vàng lạ lùng xảy ra ở Quảng Ngãi sáng 21/10. Đã có những đồn đoán rằng chủ tiệm vàng trúng một loại thuốc mê của tên cướp, cũng có người nhận định do bị thôi miên, cũng có ý kiến nghi ngờ đây là “màn kịch”.
Vẫn chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra, tuy nhiên, dưới góc độ chuyên môn y học thì có hay không những loại thuốc mê có thể ngấm vào cơ thể mà nạn nhân không hay biết? Thuật thôi miên chi phối như thế nào đến sức khoẻ tâm thần của con người?
Hình ảnh tại tiệm vàng Tín Huy được camera ghi lại. Ảnh: CTV
Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Thuý, 41 tuổi, chủ tiệm vàng Tín Huy, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi với báo giới thì “Hôm đó khoảng 10h30, một thanh niên mặc áo thun màu xanh, đeo khẩu trang bước vào tiệm của tôi, hỏi mua năm chỉ vàng. Tôi đưa vàng rồi anh ta trả tiền, bước đi.
Nhưng được mấy bước, anh ta quay lại, đòi tôi đưa tiền. Không hiểu sao khi đó cả người tôi như rơi vào trạng thái mê sảng, cả người mệt mỏi, rụng rời, mồ hôi toát ra nhiều, hai tay cứ mở tủ lấy túi và đưa hết số vàng trong túi cho hắn. Sau đó thì tôi ngất xỉu tại ghế ngồi...” Trong vài phút chớp nhoáng, tiệm vàng của chị đã bị cướp hơn 100 cây vàng và 1 tỉ đồng. Cho đến lúc trình bày sự vụ trước công an, chị vẫn không hiểu sao đầu óc mình khi đó mê muội đến vậy. Trả lời báo chí, ông Võ Văn Náo, phó trưởng công an huyện Bình Sơn cho rằng không loại trừ khả năng kẻ gian đã dùng thuốc mê hoặc dùng thuật thôi miên để cướp vàng.
Trước đó, ở một số nơi cũng đã có không ít vụ cướp tài sản được mô tả lại chỉ với một lời nói, một ánh mắt mà có thể khiến nạn nhân như vật vô tri, bảo gì làm nấy. Không ít người biết nhận thức, đề phòng với những cảnh báo này. Nhưng, khi bị rơi vào cuộc, nạn nhân lại không thể tự thoát ra để cứu lấy mình.
Cẩn thận với những chiêu lừa có thuốc?
PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức, giảng viên chính bộ môn dược, đại học Y dược TPHCM cho biết: “Không thể xác định đâu là nguyên nhân khiến cho nạn nhân rơi vào trạng thái mê muội, rồi đưa hết tài sản cho kẻ xấu. Chúng ta chỉ có thể phỏng đoán một số trạng thái do hít phải hoá chất gây mê có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương, làm mất hoàn toàn ý thức, phản xạ và mọi cảm giác của người sử dụng. Kẻ trộm lợi dụng phản ứng của thuốc để lừa nạn nhân. Khi hấp thụ thuốc, nạn nhân sẽ bị bất động, ngủ say và hoàn toàn không hay biết, tự chủ những hành động của mình. Một số loại thuốc an thần thể nhẹ cũng gây cho nạn nhân cảm giác không kiểm soát được lý trí”. |
Cho đến giờ, mọi nghi án từ các vụ cướp vẫn chưa tìm ra nguyên nhân xác thực. Theo bác sĩ Ngô Dũng Cường, nếu nạn nhân bị ngấm thuốc mê, người ngoài có thể nhận thấy thông qua gương mặt của họ: nạn nhân có biểu hiện lờ đờ, gương mặt mệt mỏi, không tỉnh táo, nói năng những câu ngớ ngẩn, vô nghĩa. Nếu có những biểu hiện này, người thân nên lập tức đưa bệnh nhân đi nghỉ, ngủ để phục hồi sức khoẻ. Riêng với chính nạn nhân, khi cảm thấy đầu óc mình không tỉnh táo, cần lập tức gọi người thân đến giúp, và tránh tiếp xúc với người lạ, đề giữ an toàn cho bản thân.
Hiện tại, thuốc gây mê có hai dạng phổ biến: thuốc dùng đường tiêm tĩnh mạch để khởi mê nhanh và thuốc gây mê bay hơi thể khí được dùng qua đường hô hấp để duy trì trạng thái mê. Bác sĩ Ngô Dũng Cường, trưởng khoa hồi sức cấp cứu, bệnh viện Triều An, TP.HCM cho biết thêm: “Còn có loại chất gây mê qua da. Đây là một loại á phiện, chỉ được dùng trong hệ thống y tế, có sự chỉ định và kiểm soát chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa. Tuy nhiên, không ngoại trừ thuốc có ở những cơ sở bán thuốc trái phép. Kẻ trộm có thể sẽ lạm dụng loại thuốc này để chiếm đoạt tài sản người dân. Bằng cách nào đó, kẻ trộm để da của nạn nhân vô tình bị bôi thuốc mê qua một cái nắm tay, một cú va chạm tưởng vô tình, chỉ trong vài giây nạn nhân sẽ rơi vào trạng thái không tỉnh táo, lọt vào bẫy kẻ trộm. Tuy nhiên, mọi giải thích cũng chỉ ở khía cạnh phỏng đoán, tìm hiểu nguyên nhân của một vấn đề cần dựa vào các cơ quan điều tra chức năng”.
Chiêu lừa có thật sự bằng thôi miên?
Nhiều nạn nhân sau một lần mắc bẫy kẻ trộm, cho rằng họ bị bỏ thuốc mê, hoặc bị thôi miên trong trạng thái vô thức, chỉ việc nghe theo những yêu cầu của đối phương. Từng theo dõi những trường hợp bị lừa bởi người lạ, ThS Nguyễn Mạnh Quân, giám đốc trung tâm nghiên cứu phát triển sức khoẻ thể - tâm - trí chia sẻ những kinh nghiệm của một chuyên gia về thôi miên: “Như trường hợp bà chủ tiệm vàng Tín Huy, tôi cho rằng hoàn toàn không xuất hiện yếu tố thôi miên trong chuyện này. Trước giờ, những vụ trộm cướp tài sản do thôi miên chỉ là tin đồn thất thiệt. Bởi, không có bất cứ một chuyên gia thôi miên nào dù tài năng đến đâu có thể làm được điều này.
Trạng thái thôi miên là sự thay đổi từ bên trong của cơ thể, là hệ thống có kỹ thuật, phương pháp rõ ràng chứ không chỉ là tạo cảm giác ảo, hoặc đánh lừa thị giác, thính giác bề ngoài như ảo thuật. Sử dụng thôi miên để lừa gạt là điều không thể xảy ra. Mọi hành động, ám thị trong thôi miên phải được thân chủ đồng ý và thích với tinh thần thoải mái, tự nguyện, nếu không ám thị đó sẽ bị đẩy ngược trở lại, không có tác dụng”.
ThS Quân còn giải thích thêm, khi thân chủ chấp nhận được thôi miên, cơ thể họ thay đổi thật sự, ngay cả tuyến hormon, hoá chất sinh học trong cơ thể cũng thay đổi. Để thoát ra khỏi trạng thái thôi miên, thân chủ phải trải qua giấc ngủ, sau đó họ sẽ hoàn toàn không nhớ những gì đã hành động trước đó. Tâm trạng họ cũng hoàn toàn khoẻ khoắn, chứ không hề mệt mỏi như những nạn nhân trong các vụ trộm cắp.
Theo Nguyên Cao
Sài Gòn tiếp thị