1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cô gái trẻ đột quỵ não vì tắm gội đêm?

(Dân trí) - Gần 20.000 lượt đã chia sẻ về kinh nghiệm “trở về từ cõi chết” do tắm gội đêm dẫn tới đột quỵ não của 1 cô gái trẻ. Theo đó, sau khi tắm gội lúc 22h, cô gái này thấy choáng váng, đầu nhức bưng bưng, không thể nhận thức được, tay chân có dấu hiệu tê lại…

Theo cô gái này, hôm xảy ra sự việc, cô hơi mệt, đi làm về chợp mắt đến 10 giờ đêm mới tỉnh dậy đi tắm, gội đầu. Thế nhưng khi vừa gội đầu xong, bước ra cửa nhà tắm, cô thấy đầu óc quay cuồng, đầu óc choáng váng, nhức bưng bưng, không thể nhận thức được nữa, tay chân có dấu hiệu tê lại.

Cô gái trẻ đột quỵ não vì tắm gội đêm? - 1

Hoảng sợ, cô gọi mẹ cạo gió nhưng khi cạo gió cũng không có cảm giác gì. Cô vội nói mẹ phải đưa đi bệnh viện ngay do lo sợ đột quỵ não.

Sau khi tới bệnh viện, được bác sĩ truyền dịch và thử máu, giữ ấm cơ thể và bóp tay chân thì đến tầm gần 3 tiếng sau tình trạng sức khỏe của cô gái ổn dần.

Cô khuyên mọi người tuyệt đối không tắm và gội đầu đêm khuya dù trẻ khỏe bởi rất nguy hiểm khi xảy ra đột quỵ não.

Có xảy ra đột quỵ khi tắm đêm?

Đánh giá về nguy cơ đột quỵ não do tắm đêm, BS Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai) cho rằng không có bằng chứng nào cho thấy phơi nhiễm với nước lạnh hoặc ngâm mình trong nước lạnh lại liên quan tới đột quỵ não. Mặc dù nhiều nghiên cứu cho thấy ngâm mình trong nước lạnh đột ngột có thể kích hoạt dẫn tới nhồi máu cơ tim. Hơn nữa, một số rối loạn thần kinh như mất toàn bộ trí nhớ thoáng qua sau khi bơi trong nước lạnh cũng đã được báo cáo.

Theo BS Chính, các tài liệu y khoa trên thế giới cho thấy đột quỵ não thay đổi theo mùa một cách rất rõ ràng. Tỷ lệ đột quỵ cao hơn vào mùa Đông khi so với mùa Hè. Ngoài ra, bệnh nhân bị đột quỵ vào mùa Đông thường có tiên lượng xấu hơn. Tương tự, tỉ lệ tử vong do đột quỵ cũng cao nhất vào mùa đông.

“Trong một nghiên cứu mang tính bước ngoặt, người ta nhận thấy rằng nhiệt độ giảm 5°C liên quan tới tỷ lệ nhập viện vì đột quỵ tăng lên 7%. Nhiều nhà khoa học cho rằng tỷ lệ đột quỵ cao như vậy là do những thay đổi, rối loạn về chuyển hóa lipid máu, huyết áp và đông máu trong mùa Đông”, BS Chính nói.

"Đặc biệt, các thống kê chỉ ra đột quỵ xảy ra nhiều nhất vào thời điểm ban ngày ( 8:01 - 12:00), ban đêm đột quỵ cũng có thể xảy ra nhưng không thường xuyên.

Tuy nhiên, những người có yếu tố nguy cơ, đặc biệt là rung nhĩ, thì đột quỵ có thể xảy ra bất cứ khi nào và bất cứ thời điểm nào.

Chóng mặt vì tắm nóng

Giải thích hiện tượng chóng mặt, choáng váng sau tắm gội như mô tả của cô gái, BS Chính cho rằng đó là do hiện tượng giãn mạch vì tắm nước nóng.

Bởi khi tắm nước nóng, nhiệt làm giãn mạch máu dưới da, cơ thể sẽ cố gắng tự làm mát bằng cách tăng dòng máu tới các khu vực bề mặt lớn gần nhất với môi trường bên ngoài. Máu bị dồn ra ngoại vi nhiều hơn và gián tiếp làm giảm dòng máu ở các khu vực trung tâm của cơ thể, đặc biệt khi đứng dậy nhanh khiến cho nhu cầu máu ở các khu vực trung tâm tăng (cung lượng tim cần được bồi phụ nhanh).

Tất cả những điều này làm giảm dòng máu lên não khiến cho bạn bị chóng mặt hoặc lâng lâng và thậm chí có thể gây ngất xỉu. Đây cũng là lý do khi đi tắm thuốc bắc, ngâm mình trong bồn nước nóng thuốc bắc, nhiều người cảm thấy lâng lâng, choáng váng như say thuốc.

Do vậy, khi tắm nên làm quen với nước một cách từ từ bằng cách để vùng chân, tay tiếp xúc với nước nữa rồi mới đến toàn thân, tránh hiện tượng bị lạnh đột ngột. Nhiệt độ nước lý tưởng là bằng nhiệt độ cơ thể người (37 độ C) không quá nóng, quá lạnh và cần tắm ở nơi kín gió.

Sau khi ngâm mình trong nước nóng, cần đứng dậy một cách từ từ. Bạn hãy đi khám bác sĩ để đảm bảo rằng tim mạch và huyết áp của bạn bình thường sẽ giúp bạn dự phòng được hiện tượng này.

Hồng Hải