1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Chuyện vợ Bác sĩ Tôn Thất Tùng nấu cháo bồi dưỡng bệnh nhân

(Dân trí) - Ngày ấy, làm gì có điện thoại như bây giờ, ông nội tôi ở nhà đọc báo Thời Mới, thấy đăng ảnh mẹ tôi và em ngay trên trang nhất, kèm theo bài nói về thành công của ca mổ đặc biệt đối với bệnh nhân nhỏ tuổi nhất thế giới, mới biết là em tôi đã được cứu sống!

 

Bài báo năm 1962

Bài báo năm 1962

 

Trong thời gian gần đây, có nhiều vụ việc xảy ra trong ngành Y khiến cho người dân hoang mang và phần nào bị mất lòng tin vào đội ngũ thầy thuốc của chúng ta.

 

Là người hay hoài cổ, luôn ước ao “bao giờ cho đến... ngày xưa” , tôi rất muốn kể lại câu chuyện xảy ra cách đây đã tròn 52 năm, gắn với hình ảnh người Thầy thuốc đã trở thành ân nhân của gia đình tôi. Câu chuyện này được mẹ tôi kể mỗi khi lần giở lại những kỷ vật của gia đình, là những bài báo và những bức ảnh đã nhuốm màu thời gian.

 

Ngày ấy, khi tôi tròn 3 tuổi, mẹ tôi sinh thêm một em bé gái. Em trông khỏe mạnh, bụ bẫm khi mới chào đời. Nhưng được 13 ngày tuổi, bụng em tự nhiên to ra rất nhanh.

 

Nhà tôi khi ấy ở thị xã Phúc Yên. Bố mẹ tôi còn rất trẻ, bố 24 còn mẹ mới 22 tuổi. Hai người dắt díu nhau bồng con ra Hà Nội tìm vào Viện Radium Đông Dương, chính là Viện K bây giờ. Sau khi thăm khám, bác sĩ nói em tôi bị một khối u ở thận, không thể chữa khỏi. Bố mẹ tôi đành mang em về.

 

Những ngày sau đó, bố mẹ tôi đau đớn nhìn bụng em tôi to lên từng ngày, căng bóng đến nỗi nhìn rõ cả những mạch máu dưới da. Không đành lòng nhìn con chờ chết, bố mẹ tôi quyết định một lần nữa đem con ra Hà Nội. Trước khi đi, mẹ đưa em cho ông nội, vừa khóc vừa nói: “Ông bế cháu thêm lần nữa đi, con đem cháu đi lần này không chắc có đem về được đâu!”.

 

Lần này bố mẹ tôi đem em đến Bệnh viện Phủ Doãn, chính là Bệnh viện Việt Đức bây giờ. Qua phòng khám, các bác sĩ cũng bảo không qua khỏi. Bô mẹ tôi đành khóc và mang em về. May mắn làm sao, sắp ra đến cổng lại gặp được bác Giám đốc bệnh viện, chính là Giáo Sư Tôn Thất Tùng. Ông bảo mẹ tôi quay lại và hãy để ông mổ cho em, nếu không qua khỏi thì coi như bà đã cống hiến một đứa con cho khoa học. Bố mẹ tôi đồng ý và ký vào giấy cam đoan.

 

Điều bất ngờ là khi mổ, hóa ra khối u không phải ở thận mà nằm ở gan. Giáo sư Tôn Thất Tùng đã cắt bỏ đi 1/3 lá gan của em. Ca mổ đã thành công! Hôm ấy, em tôi mới tròn 36 ngày tuổi.

 

Trong thời gian hậu phẫu, Ông yêu cầu mẹ tôi phải bồi dưỡng thật nhiều để lấy sữa cho em bú chứ không chỉ định dùng thuốc bổ gì cho em vì em quá nhỏ bé và yếu ớt. Hàng ngày, Ông bảo vợ nấu cháo, hầm gà mang vào cho mẹ tôi ăn. Mẹ tôi cứ khóc: “Nhà cháu nghèo lắm, các bác cho cháu ăn thế này, cháu không có tiền để trả đâu ạ”. Ông cười bảo cứ ăn đi. Đến hôm ra viện, nghe các y bác sỹ nói ông Viện trưởng ra lệnh không thu bất cứ một khoản tiền nào, lại còn tiếp tục cung cấp đường sữa cho bệnh nhân hàng năm sau khi ra viện, mẹ tôi lại khóc.

 

Ngày ấy, làm gì có điện thoại như bây giờ, ông nội tôi ở nhà đọc báo Thời Mới, thấy đăng ảnh mẹ tôi và em ngay trên trang nhất, kèm theo bài nói về thành công của ca mổ đặc biệt đối với bệnh nhân nhỏ tuổi nhất thế giới, mới biết là em tôi đã được cứu sống!

 
Bài báo năm 1962

Em bé 36 ngày tuổi được mổ gan là Đỗ Thị Loan và mẹ sau 52 năm...

Điều kỳ diệu là suốt từ đó đến giờ, em tôi lớn lên bình thường khỏe mạnh, chả có bệnh tật gì. Hiện nay em đã ngoài 50 tuổi, đang sinh sống cùng chồng và hai con trai tại CHLB Đức.

 

Những lúc đông đủ cả nhà, ôn lại chuyện cũ, bố mẹ tôi vẫn bảo: Ngày ấy nếu không có Bác sĩ Tôn Thất Tùng thì em tôi chắc chắn không thể có cơ hội làm người!

 

Còn với tôi, tôi luôn tự hỏi: cuộc sống ngày càng văn minh, khoa học ngày càng tiến bộ, làm sao để có những người thầy thuốc như giáo sư Tôn Thất Tùng thì  ngành y mới thực sự là những người thầy thuốc trị bệnh cứu người.

 

... và mẹ con bà Loan hiện nay
Cô Đỗ Thị Loan cùng con trai tại Paris (Pháp)

Đỗ Kim Liên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm