Chuyển viện theo BHYT: Nhiều bệnh nhân bị đe dọa tính mạng

Các cơ sở KCB khi cho bệnh nhân chuyển viện vẫn phải chịu mọi chi phí của người bệnh ở tuyến khác mà không thể biết chi phí đó là bao nhiêu. Chính vì vậy, nhiều bệnh nhân mặc dù bệnh nặng vẫn bị giữ lại và chỉ được chuyển viện khi quá muộn...

Các cơ sở KCB khi cho bệnh nhân chuyển viện vẫn phải chịu mọi chi phí của người bệnh ở tuyến khác mà không thể biết chi phí đó là bao nhiêu. Chính vì vậy, nhiều bệnh nhân mặc dù bệnh nặng vẫn bị giữ lại và chỉ được chuyển viện khi quá muộn...

 

Gần chết mới được chuyển

 

Ông N.V.B, quê Bắc Ninh, bị thoát vị đĩa đệm nặng, đi lại khó khăn, vào điều trị bằng thẻ BHYT tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh. Sau hơn 2 tuần điều trị, bệnh không đỡ mà có nguy cơ nặng thêm, người nhà ông xin bác sĩ cho chuyển sang điều trị tại Bệnh viện Y học dân tộc cũng của tỉnh Bắc Ninh nhưng bác sĩ không cho chuyển với lý do bệnh này ở đây chữa được.

 

Thêm 1 tuần điều trị nữa, bệnh của ông B càng nặng hơn và có dấu hiệu bị liệt nửa người. Người nhà lại tha thiết đề nghị bác sĩ cho chyển về điều trị tại Bệnh viện Châm cứu TƯ, nhưng vẫn bị từ chối. Không còn cách nào khác, người nhà đã phải xin cho ông B ra viện và chấp nhận vay mượn tiền để đưa ông B về chữa trị tại Bệnh viện Châm cứu TƯ.

 

Khi khám cho ông B, các bác sĩ của Bệnh viện Châm cứu cho biết, bệnh của ông B đã quá nặng và cần phải điều trị một thời gian dài mới có hy vọng hồi phục. Và đương nhiên, gia đình ông B phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để chữa trị, còn tấm thẻ BHYT chỉ để “cất đi cho mới”.

 

Tại Bệnh viện K cũng có không ít bệnh nhân khi về được đến đây đã cầm chắc “bản án tử hình”. Ông N.T.K, hơn 70 tuổi, ở Hải Dương bị ốm sốt đã hơn 1 tháng, được các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương chẩn đoán là viêm phổi và điều trị kháng sinh. Bệnh không đỡ, người nhà muốn chuyển ông về Bệnh viện Lao phổi TƯ, song bác sĩ không cho chuyển. Chỉ đến khi bệnh nhân gầy rộc, không ăn uống được, các bác sĩ mới cho bệnh nhân về tuyến trên thì chuyện đã quá muộn. Ông K có một khối u to ở phổi và đã bị ung thư phổi giai đoạn cuối mà BV Hải Dương đã không phát hiện.

 

Bệnh viện Nội tiết cũng đang phải đối mặt với những bệnh nhân “gần đất xa trời” như vậy, chỉ vì họ được chuyển tuyến điều trị quá muộn. Có bệnh nhân bị nhiễm độc giáp, điều trị tại tuyến cơ sở không đúng cách, đến khi bệnh quá nặng dẫn đến hôn mê mới vội vã chuyển về Bệnh viện Nội tiết TƯ thì chỉ còn sống thêm được vài giờ.

 

Khi được hỏi tại sao không đưa bệnh nhân đến sớm thì người nhà chìa ra tờ giấy chuyển viện và nói: Gia đình tôi đã tha thiết đề nghị bác sĩ cho chuyển, nhưng họ nói cứ yên tâm chữa được, không phải chuyển, đến khi nặng quá rồi mới đưa cho người nhà tờ giấy này và bảo chuyển về đây... Đấy là những bệnh nhân có thẻ BHYT từ các địa phương gặp khó khăn khi chuyển về BV tuyến TƯ.

 

Còn những bệnh nhân BHYT khám chữa bệnh tại các BV tuyến TƯ muốn chuyển sang BV cùng tuyến cũng vô cùng khó khăn và đã có không ít hậu quả. Một bệnh nhân điều trị baradow tại Bệnh viện E, không hiểu vì lý do gì bệnh tình ngày một nặng, mắt lồi rất to, các bác sĩ đã khoét một mắt bệnh nhân.

 

Một thời gian sau, bác sĩ lại chỉ định khoét nốt mắt còn lại. Người nhà đề nghị cho đến khám ở Bệnh viện Nội tiết để xem có hướng điều trị, nhưng bác sĩ từ chối. Quá sợ hãi, người nhà bệnh nhân đã trốn viện tìm đến các bác sĩ của Bệnh viện Nội tiết và thật may là bệnh nhân đã giữ lại đượccon mắt còn lại.

 

Bệnh nhân bị “trói” đến bao giờ?

 

Theo giải thích của các lãnh đạo BV, lý do mà BV hạn chế cho bệnh nhân BHYT chuyển tuyến điều trị chính là cơ chế thanh toán chi phí KCB. Theo quy định, các cơ sở KCB BHYT (nơi người có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu) được sử dụng 90% quỹ KCBđể chi trả các chi phí KCB nội, ngoại trú, vận chuyển người bệnh và chi phi KCB tại các cơ sở khác trong trường hợp người bệnh được chuyển tuyến, cấp cứu...

 

Như vậy, có nghĩa là các chi phí cho những bệnh nhân chuyển tuyến điều trị, cơ sở KCB cho bệnh nhân chuyển vẫn phải chịu mọi chi phí của người bệnh ở tuyến khác mà không thể biết chi phí đó là bao nhiêu. Rất nhiều BV khi thanh - quyết toán mới hay biết những chi phí cho người bệnh chuyển tuyến vượt quá cao, trong khi số tiền mà BHYT thanh toán chỉ rất khiêm tốn; khi đó lại “dài cổ” chờ BHYT cấp bù. Vì thế, các BV đã “bảo nhau” giữ bệnh nhân lại để an toàn hơn khi thanh - quyết toán.

 

Cách đây không lâu, trước nguy cơ “thủng” quỹ, BHYT đã phàn nàn rằng, các chi phí KCB tại các BV chuyên khoa tuyến TƯ và các BV tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Huế... đang quá lớn, chiếm 50% tiền tổng chi của quỹ. Phản bác ý kiến này, một giám đốc BV chuyên khoa tuyến TƯ cho rằng, hầu hết bệnh nhân về BV tuyến trên đã rất nặng, trong đó có lý do tuyến dưới giữ lại điều trị, đến khi không đỡ mới chuyển đi nên chi phí điều trị thuốc men, hóa chất phải liều cao, loại đặc hiệu mới khỏi bệnh. Nếu chỉ để giữ quỹ không “thủng” mà chữa bệnh nửa vời thì chỉ thêm khổ cho bệnh nhân.

 

BHYT luôn luôn lo sợ vỡ quỹ, còn cơ sở KCB thì lo không được BHYT thanh toán. Sự co kéo này đã dẫn đến tình trạng người bệnh có thẻ BHYT không được chữa chạy với điều kiện tốt nhất và không ít người có thẻ, nhưng vẫn phải bỏ một khoản tiền lớn để chữa trị. Quyền lợi của người có thẻ BHYT chẳng lẽ chỉ là thứ mơ hồ, khi mà người bệnh đang bị cả cơ sở KCB và BHYT “trói”.

 

Ông Nghiêm Trần Dũng - Vụ phó Vụ Bảo hiểm y tế - Bộ Y tế:

“BHYT không hạn chế việc chuyển tuyến điều trị cho bệnh nhân”

 

Cho đến lúc này, Bộ Y tế chưa nhận được ý kiến hoặc khiếu nại từ người bệnh cũng như các cơ sở y tế, về việc bệnh nhân xảy ra tai biến do chậm trễ chuyển tuyến điều trị, hoặc do các cơ sở cố tình không chuyển bệnh nhân. Hiện nay, tại các tuyến y tế cơ sở đã mở rộng, triển khai nhiều phương pháp, kỹ thuật điều trị để chữa trị cho bệnh nhân. Nếu trong khả năng điều trị, cơ sở đó thường giữ bệnh nhân lại để điều trị. Chỉ khi nào vượt khả năng chuyên môn thì mới chuyển bệnh nhân về tuyến trên. Đó cũng là việc cần thiết để hạn chế tình trạng quá tải ở tuyến trên.

 

Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân luôn có tâm lý muốn xin chuyển về tuyến TƯ điều trị, khi mà ở đó vẫn làm được. Về cơ chế thanh toán giữa BHYT với cơ sở KCB, không hề hạn chế việc chuyển tuyến điều trị cho bệnh nhân. Việc chuyển bệnh nhân là do bác sĩ điều trị đề nghị và lãnh đạo BV quyết định chứ BHYT không can thiệp. Khi thanh toán chi phí KCB, cơ quan BHXH sẽ thanh toán chi phí KCB của người có thẻ BHYT tại các cơ sở KCB BHYT khác và khấu trừ tương ứng vào nguồn kinh phí KCB BHYT được sử dụng của cơ sở KCB - nơi người có thẻ đăng ký KCB ban đầu.

 

Trường hợp vượt quá nguồn quỹ KCB được sử dụng, cơ sở KCB sẽ được BHXH cấp bù... Như thế, BHXH luôn chi trả theo thực tế. Còn BV không muốn chuyển bệnh nhân đi là do muốn sử dụng tiền của BHYT. Về vấn đề để xảy ra tình trạng bệnh nhân bị tai biến hoặc nguy hiểm đến sức khoẻ do xử lý kỹ thuật sai, chậm trễ chuyển tuyến... theo quy định của Bộ Y tế, các BV khi tiếp nhận bệnh nhân phải có văn bản phê bình các bệnh viện tuyến dưới và báo cáo Bộ Y tế. Thế nhưng, việc này đã không được các BV thực hiện.

 

Bà Nguyễn Thị Liên - chuyên viên Bộ Thương mại:

“Vì sao người có thẻ BHYT không được KCB ở bất kỳ cơ sở nào?”

Tôi rất thắc mắc vì sao các chính sách BHYT của VN lại phức tạp, rườm rà dẫn đến việc quyền lợi của người có thẻ khi KCB chẳng đến đâu, vẫn phải nộp thêm tiền. Kinh khủng nhất là khi chuyển về tuyến trên điều trị. Người giàu có thể chấp nhận bỏ tiền ra để chữa bệnh, nhưng người nghèo thì sao. Họ phải chịu chết vì cơ chế xin xỏ để chuyển viện.

Tôi đã đến nhiều nước và thấy họ làm BHYT rất hay. Người bệnh có thể đến bất cứ đâu, nhưng có điều kiện: Khám tại các tuyến xã, phường được miễn phí 100%, đến tuyến huyện phải chi trả 20%, đến tuyến tỉnh chi trả 50%, đến tuyến TƯ chi trả 70% chi phí... Vì sao chúng ta không học tập họ, để người có thẻ được đến KCB ở bất kỳ cơ sở KCB nào mà không phải đi xin xỏ. Nếu cứ thế này thì người bệnh còn khổ nhiều.

 

Theo Lao động