Chuyện về cô gái đã nhận hơn 1.000 đơn vị máu

(Dân trí) - Hơn 30 năm sống trên cõi đời, cũng là bằng đó thời gian chị Hứa Thị Hải Vân sống bằng những giọt máu hồng mà mọi người chia sẻ. Đến nay, chị đã được truyền khoảng hơn 1.000 đơn vị máu, cũng là hơn 1.000 lần chị được hồi sinh…

“Nguồn sống” từ những người xa lạ

Khi mới sinh ra, chị Hứa Thị Hải Vân cũng khỏe mạnh bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhưng đến khi được 17 tháng tuổi, chị có biểu hiện vàng da kéo dài, chậm lớn như bị suy dinh dưỡng nên được gia đình đưa đi khám, phát hiện mang căn bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia – một căn bệnh di truyền về máu). Khi được các bác sĩ tư vấn điều trị, cả gia đình đã rất sốc, không nghĩ con có cơ hội sống xót bởi quá trình điều trị là cả đời, gắn với loại “thuốc” đặc biệt không bán ở quầy, là loại “thuốc” chỉ có trong dòng máu mỗi con người. Mà để đủ số máu điều trị, người nhà có lần lượt xếp hàng cho bé thì cũng khó đủ thời gian để “quay vòng” hiến máu.


Bị bệnh tan máu bẩm sinh, cô gái này vẫn sống khỏe mạnh, vui tươi nhờ

Bị bệnh tan máu bẩm sinh, cô gái này vẫn sống khỏe mạnh, vui tươi nhờ nguồn máu hiến của những con người giàu lòng nhân ái. Ảnh: Vương Tuấn

Thế nhưng, có bệnh thì phải điều trị, nếu không được truyền máu và thải sắt theo định kỳ bệnh nhi sẽ khó qua khỏi do nguy cơ sưng to các nội tạng, cơ thể biến dạng…

Cũng từ đó, cuộc sống của cô bé Hải Vân gắn liền với bệnh viện, với những đợt truyền máu, thải sắt dài ngày. Trung bình mỗi đợt Hải Vân phải nằm viện từ 5 -  7 ngày, có khi dài hơn khoảng 15 ngày và việc đó lặp đi lặp lại hằng tháng. Đến nay đã được hơn 30 năm, mặc dù không còn phải nằm viện dài ngày nữa, mà điều trị theo diện ngoại trú, nhưng mỗi tháng cũng mất 2 – 3 lần, chị tự đi từ nhà (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đến Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, để tiếp tục việc thải sắt, truyền máu.

“Đến giờ, chính bản thân tôi và gia đình nhiều khi vẫn ngỡ đang mơ, không tin vào “kì tích” con mình, mình sống được bằng ấy năm hoàn toàn nhờ vào nguồn máu hiến của những con người giàu lòng nhân ái, sẻ chia những giọt máu hồng của mình vì người bệnh. Tôi đã sống được nhờ những giọt máu nghĩa tình đó. Sâu thẳm trong trái tim, tôi luôn ghi ơn những người bạn, những người chưa một lần biết mặt, biết tên nhưng đã chia sẻ những giọt máu hồng để những người bệnh như chúng tôi có cơ hội sống, cống hiến cho đời”, chị Vân xúc động nói.

BS điều trị cho chị Hải Vân cho biết, đến nay, chị Vân đã điều trị bệnh được hơn 30 năm, với hàng trăm đợt truyền máu, mỗi lần truyền ít nhất 1 - 2 đơn vị, những lần nhiều phải truyền đến 8 đơn vị một lúc. Tính tới thời điểm hiện tại, chị Vân đã được truyền khoảng 1000 đơn vị máu. Số lượng máu “khủng” đã được chắt lọc từ bao con người tình nghĩa để mang lại cuộc sống khỏe mạnh cho những người như chị Vân.

“Tính ra, tôi đã được truyền vào cơ thể hơn 1.000 đơn vị máu, như vậy là đã hơn 1.000 lần sự sống của tôi được hồi sinh. Nhờ đó, mọi sinh hoạt hàng ngày của tôi vẫn diễn ra như một người bình thường”.

Nơm nớp nỗi lo thiếu máu Tết!

Song không phải lúc nào việc truyền máu cũng thuận lợi với tất cả những người bệnh, trong hàng trăm đợt truyền máu đó, không ít lần chị Vân hoặc nhiều người bệnh khác phải chờ máu. Nhớ lại dịp sau Tết nguyên đán - năm  2011, vì không vào bệnh viện truyền máu trước Tết, chị Vân cũng như nhiều bệnh nhân cùng cảnh khác phải chờ 4- 5 ngày mới được truyền 1 đơn vị máu. Việc phải chờ máu, truyền máu cầm chừng khiến người bệnh cùng mệt mỏi, không còn sức sống, nguy hiểm tính mạng.

Những ngày cận Tết, bệnh nhân mắc các bệnh về máu, bệnh nhân ung thư phải truyền tiểu cầu, bệnh nhân không may bị tai nạn lại nơm nớp nỗi lo thiếu máu. Không có máu để truyền, người bệnh mệt mỏi, thậm chí đe dọa tính mạng…

Đó là thực tế đang diễn ra tại nhiều bệnh viện, bởi lượng máu thu gom được trong tháng 12 và đầu tháng 1 giảm hẳn so với những tháng trước đó. “Bác sĩ nào cũng muốn truyền máu đúng chỉ định để bệnh nhân mau khỏi. Hay với bệnh nhân ung thư, sau đợt truyền hóa chất tiểu cầu giảm, nguy cơ chảy máu rất cao, thậm chí xuất huyết não, nguy hiểm tính mạng nhưng vì thiếu máu để tách lọc tiểu cầu, nhiều bác sĩ cũng chỉ có thể chỉ định cầm chừng cho người bệnh”, một bác sĩ điều trị tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương bày tỏ.

Vì thế, không có cách nào khác, bệnh viện phải “tiết kiệm” điều trị. Nhiều bệnh nhân đang phải truyền máu rất cầm chừng. Có bệnh nhân phải truyền 2 đơn vị máu mới đủ, nhưng vì thiếu máu, bệnh nhân chỉ được truyền chưa đến một nửa nhu cầu. Có bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa ồ ạt, mất chỉ còn 1/3 lượng máu nhưng bệnh viện cũng chỉ thu xếp đủ số máu cấp cứu cho bệnh nhân khỏi nguy kịch, còn để bình phục lại thì phải truyền dần dần vì không đủ lượng máu một lúc.

Người bệnh luôn lo lắng nỗi lo thiếu máu ngày Tết

Người bệnh luôn lo lắng nỗi lo thiếu máu ngày Tết

“Hay với những bệnh nhân mắc bệnh Hemophilia (bệnh máu khó đông), khi phát bệnh, người bệnh bị chảy máu trong cơ thể, có người bị chảy máu tại khớp, đau đớn kéo dài, nguy hiểm hơn, để tình trạng chảy máu kéo dài tại khớp có nguy cơ gây biến dạng khớp, khiến bệnh nhân phải chịu những biến chứng lâu dài không thể hồi phục được, gây tàn tật. Đã từng có bệnh nhân bị chảy máu khớp chân, sau biến dạng gây tàn tật không tự đi lại được, phải dùng nạng gỗ. Hậu quả là hai khớp vai trước vốn rất bình thường, thì nay cũng thường xuyên bị chảy máu do phải tiếp xúc với nạng. Biết rõ nguy cơ, nhưng vẫn phải chờ, biết làm sao được”, BS điều trị đau xót nói.

Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, ở bất cứ thời điểm nào, máu dự trữ dành cho việc cứu sống bệnh nhân luôn là “của hiếm”. Tuy nhiên, trong những dịp đặc biệt gần Tết như hiện nay, lượng máu thu gom được giảm đột ngột, do học sinh, sinh viên tình nguyện - đối tượng cung cấp đến 80% lượng máu, đang trong giai đoạn tập trung thi hết kỳ nên không tham gia hiến máu. Một khó khăn nữa trong công tác thu gom máu là do thời gian bảo quản máu chỉ từ 35 - 42 ngày nên không thể tiến hành lấy máu sớm hơn.

Thời điểm cuối năm, giáp Tết nguyên đán – Giáp Ngọ 2014, lượng người hiến máu giảm sút nhanh chóng, gây tình trạng khan hiếm máu trầm trọng; đặc biệt, tình trạng chênh lệch nhóm máu, thiếu máu nhóm O và nhóm A diễn ra gay gắt. Báo cáo mới nhất ngày 14/12 từ Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, nhóm máu O chỉ chiếm khoảng gần 30%, nhóm máu A chỉ đạt 12% tổng lượng máu lưu trữ (trong cộng đồng, nhóm máu O là nhóm phổ thông, với khoảng 45% dân số Việt Nam mang nhóm máu này và những người mang nhóm máu A là khoảng 25%).

Tú Anh - Chi Mai