1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Chuyện hai ca mổ “để đời” của bác sĩ Đặng Việt Dũng

Trong cuộc đời mỗi vị bác sĩ thường có rất nhiều chuyện để nhớ. Và những câu chuyện đó sẽ “ám ảnh” họ nốt phần đời còn lại. Với TS. BS Đặng Việt Dũng, Trưởng khoa Ngoại bụng, Bệnh viện 103 là hai ca mổ giành lại bệnh nhân từ tay thần chết.

“Thần chết” đã điểm danh vẫn không chết

 

Trước mặt tôi là chị Nguyễn Thị Hoài Minh (Đạo Đức, Tam Đảo, Vĩnh Phúc). Cho đến giờ, không ai ngờ rằng, chị có thể sống sót và vẫn công tác tốt sau lần “thập tử nhất sinh”.

  

Nhớ lại 5 năm về trước, chị Minh chia sẻ: “Lúc đó là tháng 12 âm lịch năm 2007, tôi chở con bằng xe máy, bỗng một chiếc xe tải va vào xe tôi khiến con tôi bị văng ra xa, còn tôi lăn vào bánh xe tải. Bánh xe tải nghiến nửa người khiến tôi bất tỉnh. Mẹ con tôi được đưa vào Bệnh viện 103 cấp cứu. Sau này, mọi người kể với tôi rằng, khi tôi vào viện thì huyết áp, nhịp tim đã về 0. Các bác sĩ lắc đầu, bảo người nhà tôi hãy về chuẩn bị hậu sự. Thế mà cuối cùng, “thần chết” dù đã điểm danh cũng phải buông tay với tôi...”.

 

TS.BS Đặng Việt Dũng, người trực tiếp xử lý ca cấp cứu của chị Minh khi ấy kể lại: Hôm đó là ngày thứ 7, đang đi trên đường, bỗng nhận được cuộc điện thoại từ nhân viên khoa hồi sức cấp cứu, anh đến thẳng bệnh viện. Khi anh tới nơi, các bác sĩ đã hội chẩn và hầu hết đều khuyên không nên phẫu thuật cho bệnh nhân, bởi chị Minh trong tình trạng rất nặng, có thể tử vong trên bàn mổ khi ổ bụng chứa nhiều máu, lá lách, thận trái dập nát hết...

 

Dù “thần chết” điểm danh nhưng chị Minh đã được cứu sống.

Dù “thần chết” điểm danh nhưng chị Minh đã được cứu sống.

 

 TS.BS Đặng Việt Dũng đã cương quyết nhận ca mổ với quyết tâm “còn nước, còn tát” và anh đã nói với mọi người “chết cũng phải mổ”. Ngay lập tức, anh gọi điện cho giám đốc bệnh viện là PGS.TS Hoàng Mạnh An để xin lệnh. Sự động viên của giám đốc đã trao thêm cho anh quyết tâm. Ca mổ diễn ra hơn một tiếng, chị Minh mất khoảng 3,5 lít máu, TS.BS Đặng Việt không thể nhớ mình đã vốc bao nhiêu vốc máu vét ra từ ổ bụng của bệnh nhân. Sau đó, bệnh nhân được cắt lá lách, thận trái và tỉnh lại trong những giọt nước mắt hạnh phúc của người nhà và sự thán phục của đội ngũ y bác sĩ bệnh viện.

 

Nhớ lại phút giây đó, TS.BS Đặng Việt Dũng chia sẻ: “Kỹ thuật cũng không có gì khó so với nhưng ca tôi từng phẫu thuật, nhưng lúc đó tôi bị áp lực và căng thẳng, bởi hội chẩn đã khuyên không nên mổ, còn tôi thì cứ quyết nhất định phải mổ. Lúc đó, tôi nghĩ nếu ca mổ thành công thì không sao, nhưng nếu thất bại tôi cũng rất ngại với đồng nghiệp và vô cùng áy náy với gia đình bệnh nhân vì vô hình trung mình đã gieo hy vọng cho họ. Nhưng may mắn là chỉ sau 2 giờ, bệnh nhân đã tỉnh, hoàn toàn bình phục và giờ đã trở lại công tác”.

 

TS.BS Đặng Việt Dũng thăm bệnh nhân lớn tuổi nhất.

TS.BS Đặng Việt Dũng thăm bệnh nhân lớn tuổi nhất.

 

Bệnh nhân lớn tuổi nhất được phẫu thuật

 

Ông Phạm Ngọc Hùng (99 tuổi ở Hà Nội) là bệnh nhân lớn tuổi nhất thực hiện ca phẫu thuật trong suốt 30 năm làm nghề y của TS.BS Đặng Việt Dũng. Ông Hùng bị u trực tràng cách mép hậu môn 16cm, gần như tắc ruột, đi ngoài khó khăn. Bệnh nhân còn bị đái tháo đường và bệnh lý phổ tâm phế mãn.

 

Tuổi cao, kèm theo nhiều bệnh lý là lý do ông không thể phẫu thuật được bằng việc gây mê nội khí quản. Thậm chí, nhiều bệnh viện đã từ chối phẫu thuật cho ông dưới mọi phương pháp. Các bệnh viện nơi ông thăm khám đều khuyên gia đình ông nên “được lúc nào hay lúc đấy, đừng mổ vì nguy hiểm...”.

 

Nhưng với quyết tâm của người bệnh, ông không muốn sự đau đớn thêm nữa, dù chỉ một ngày còn sống. Sau khi thăm khám, TS.BS Đặng Việt Dũng đã nhận ca mổ u trực tràng cho ông Hùng. Ông Hùng được gây tê tủy sống kết hợp gây mê màng cứng để thực hiện ca phẫu thuật. Sau một ngày, bệnh nhân này đã tỉnh táo, nói chuyện với mọi người như thường ngày, ngoài sự tưởng tượng của chính bản thân bác sĩ và người nhà bệnh nhân.

 

Theo Phạm Hằng

Kiến thức