Chụp ảnh “tự sướng” có thể "kích" cơn động kinh?
(Dân trí) - Chụp ảnh ‘tự sướng” hay selfie, có vẻ như là một hành động vô hại, nhưng nó có thể gây ra những tác động tiêu cực đối với sức khoẻ.
Các bác sĩ tại trường Đại học Dalhousie ở Canada đã ghi nhận trường hợp một thiếu nữ tuổi teen có tiền sử động kinh, đã có những cơn kiểu cơn động kinh khi selfie.
"Trường hợp này gợi ý rằng “selfie” có thể là một việc cần thận trọng ở những người bị chứng động kinh nhạy cảm ánh sáng", các tác giả kết luận trong bài báo đăng trên tạp chí Seizure.
Nhạy cảm ánh sáng hiếm gặp và chỉ xảy ra ở gần 3% số người bị động kinh. Nó có thể khiến họ bị co giật do đèn flash hoặc đèn nhấp nháy, thường là do ánh sáng tự nhiên, đèn nhấp nháy, tivi và trò chơi điện tử. Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể này, cơn động kinh bắt nguồn từ ánh đèn flash của camera điện thoại.
Trong một thử nghiệm kéo dài ba ngày, các nhà nghiên cứu đã theo dõi hoạt động điện trong não bệnh nhân bằng cách ghi điện não đồ. Khi cô gái chụp ảnh selfies trên điện thoại, điện não đồ đã hiển thị hoạt động não giống như trong cơn động kinh.
Các bác sĩ tin rằng điều này có thể đã xảy ra vì một trong hai lý do: từ đèn flash của điện thoại, hoặc từ ánh sáng đỏ nhấp nháy được sử dụng để loại bỏ hiệu ứng mắt đỏ. Dù là cách nào thì cũng cần có thêm nghiên cứu để xác nhận những phát hiện này.
Mặc dù "động kinh do selfie " không phải là một bệnh, nhưng các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng những người bị động kinh nhạy cảm ánh sáng nên thận trọng hơn với điện thoại thông minh.
"Đã có những báo cáo về tử vong và thương tích nghiêm trọng xảy ra trong khi selfie và thường xuyên selfie khi lái xe. Nếu một người có tiền sử động kinh bị rung giật cơ do “selfie”, họ có thể bị thương nặng; nhất là nếu đang trong một tình huống nguy hiểm", các nhà nghiên cứu cho biết.
Rung giật cơ (myoclonus) là tình trạng giật nhanh không tự ý do co cơ hoặc gian cơ đột ngột.
Những người bị động kinh nhạy cảm ánh sáng thường phải uống thuốc chống động kinh để kiểm soát cơn động kinh. Một cách khác để giảm tác động của nhạy cảm ánh sáng là đeo kính có mắt kính sẫm màu hoặc phân cực.
Cẩm Tú
Theo MSN