Chuột rút về đêm, cơn đau đáng sợ

Ban ngày đi bơi hay vận động các môn thể thao khác bị chuột rút đã đành, nửa đêm, nửa hôm nghỉ ngơi lại bị chuột rút. Thực tế, đây không phải là một hiện tượng bình thường vì có thể là bị suy hệ thống tĩnh mạch ở chân.

 

Chuột rút về đêm, cơn đau đáng sợ - 1


Chuột rút, hay còn gọi vọp bẻ, là một triệu chứng rất thường gặp trong cuộc sống hàng ngày và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên thường bị hơn cả là ở những người trung niên và cao tuổi. Theo các quan niệm y học, chuột rút là những cơn co thắt của một cơ hay một nhóm cơ, thường nhất là những cơ ở mặt sau cẳng chân. Các cơn co thắt này xảy ra đột ngột, ngoài ý muốn của con người, có thể kéo dài trong vài giây hoặc kéo dài đến trên mười phút.

 

Đau không ngủ được

 

Chuột rút có thể rất đau. Nhiều người mô tả cơn đau như bóp chặt cẳng chân và gây ra nỗi kinh hoàng lo sợ cho họ. Ở một số người, các cơn chuột rút có thể xảy ra liên tục và có khi còn kéo dài vài ngày. Đau do chuột rút trong một số trường hợp còn gây khó chịu đến tận ngày hôm sau. Sau khi bị chuột rút bệnh nhân đi lại rất khó khăn.

 

Hồi còn bé, tôi hay gặp chuột rút ở một số người đi bơi. Đã có người khi đang bơi bị chuột rút đau quá và chìm xuống sông chết đuối luôn. Một số người khi tập thể dục thể thao nếu khởi động không kỹ cũng dễ bị chuột rút. Còn trong bệnh viện, một số bệnh nhân bị các bệnh làm mất ion kali như tiêu chảy nặng, suy kiệt, sử dụng thuốc lợi tiểu quá mức… cũng có thể bị chuột rút. Tuy nhiên, nguyên nhân gây chuột rút thường hay gặp nhất trong y khoa là tình trạng chuột rút về ban đêm do suy hệ thống tĩnh mạch của chân.

 

Người ta thấy rằng có đến trên 70% bệnh nhân suy tĩnh mạch bị chuột rút về ban đêm. Trong một nghiên cứu của tôi và các cộng sự thực hiện trên 500 bệnh nhân suy tĩnh mạch cũng cho thấy tỷ lệ này lên đến 90%, bao gồm thỉnh thoảng mới bị chuột rút đến thường xuyên bị chuột rút. Có những bệnh nhân năm năm nay bị chuột rút hàng đêm đến nỗi không dám ngủ và đưa đến tình trạng trầm cảm nặng.

 

Chưa rõ mặt thủ phạm

 

Cho đến ngày hôm nay, tuy có một số giả thuyết được đưa ra về cơ chế sinh bệnh của chuột rút, nhưng chưa có giả thuyết nào được chấp nhận một cách tuyệt đối. Một số nhà khoa học cho rằng chính tư thế ngồi xổm của con người hiện đại khiến các cơ bị căng và co ngắn lại, tạo điều kiện cho chuột rút. Một số phụ nữ với thói quen đi giày cao gót làm cho cơ vùng bắp chân và bàn chân bị ảnh hưởng, góp phần tăng nguy cơ bị chuột rút. Một số người hay bị chuột rút khi nằm ngửa hoặc khi bơi lội, nguyên nhân có thể do sự co cơ quá mức sinh lý đối với những cơ đang trong tình trạng căng thẳng.

 

Trong suy tĩnh mạch mãn tính chi dưới, sự ứ trệ dòng máu đi trong các tĩnh mạch, đặc biệt là trong tĩnh mạch sâu có thể làm tăng số lượng các chất chuyển hoá trong khối cơ bắp, khiến cho cơ dễ bị kích thích và gây co cơ. Mặt khác, tình trạng phù chân thường gặp trong suy tĩnh mạch cũng là nguyên nhân làm tăng tính kích thích của các sợi dây thần kinh tự chủ gây co cơ.

 

Nên điều trị sớm và dứt điểm

 

Sau khi xác định chính xác nguyên nhân gây chuột rút về ban đêm là do tình trạng suy tĩnh mạch, bệnh nhân cần phải được điều trị sớm và dứt điểm vì ai đã bị một lần chuột rút đều nhớ đời bởi rất đau đớn. Việc điều trị nên bắt đầu bằng thay đổi các thói quen như không ngồi xổm, không đi giày cao gót, xoa bóp chân trước khi đi ngủ, uống nước đầy đủ… Khi các phương pháp trên không hiệu quả nên sử dụng các loại thuốc làm vững bền thành mạch, cải thiện sự lưu thông của dòng máu trong tĩnh mạch, sử dụng các loại tất (vớ) áp lực để điều trị suy tĩnh mạch.

 

Trong thực nghiệm lâm sàng hàng ngày, các chuyên gia về tĩnh mạch học cũng thấy rằng vitamin E và Quinin có vai trò rất quan trọng trong điều trị chuột rút về ban đêm. Trong thực hành khám và chữa bệnh hàng ngày, chúng tôi nhận thấy nếu điều trị đúng và sớm có đến hơn 90% số bệnh nhân không còn bị chuột rút về đêm nữa.

 

Theo PGS.TS Nguyễn Hoài Nam

SGTT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm