“Chung sống” với sán xơ mít dài 12m trong ruột suốt 4 năm
Vừa qua, y sĩ Lê Công Danh (Bệnh viện Y học cổ truyền Thừa Thiên Huế) đã thực hiện ca xổ thành công sán xơ mít tồn tại trong cơ thể bệnh nhân suốt nhiều năm.
Con sán dài 12m sống trong cơ thể người này là rất hy hữu
Theo một khảo sát của Viện Sốt rét – Ký sinh trung – Côn trùng Trương ương, có đến 3/4 dân số Việt Nam nhiễm các loại giun sán, trong đó có sán xơ mít. Sán xơ mít là tên mà người dân thường gọi của 3 loại sán: Sán dải bò, sán dải heo và sán dải cá. Người bị nhiễm sán xơ mít thường có diễn biến âm thầm, ít có triệu chứng. Thế nhưng mang con sán dài đến 12m trong bụng suốt 4 năm, như trường hợp anh Nguyễn Ngọc Tuấn thì quả là trường hợp hy hữu…
Ca bệnh gây choáng
Vừa qua, y sĩ Lê Công Danh (Bệnh viện Y học cổ truyền Thừa Thiên Huế) đã thực hiện ca xổ thành công sán xơ mít tồn tại trong cơ thể bệnh nhân suốt nhiều năm. Anh Danh cho biết, đây là con sán dài nhất mà anh cùng đồng nghiệp từng gặp phải. Con sán này có chiều dài 12m, đã tồn tại suốt 4 năm trong cơ thể mà bệnh nhân không hề biết.
Được biết, bài thuốc y sĩ Danh dùng để chữa trị cho bệnh nhân Tuấn là một trong những bài thuốc gia truyền của gia đình. Tính đến thời điểm hiện tại, anh đã có gần 25 năm theo nghề thấy thuốc. Từ sau khi vào làm việc ở Bệnh viện y học cổ truyền Thừa Thiên Huế, y sĩ Danh đã vận dụng những gì mình học được từ nghề thuốc gia truyền để cứu chữa cho người bệnh. Qua trường hợp anh Tuấn, y sĩ Danh cũng muốn nhắc nhở mọi người cần đặc biệt chú ý đến việc ăn uống hợp vệ sinh, tốt nhất là nên ăn chín uống sôi. Mọi người cần bỏ thói quen ăn các thực phẩm tái chin để tránh lây nhiễm giun sán. |
Bệnh nhân lần này được y sĩ Danh chữa trị là anh Nguyễn Ngọc Tuấn (34 tuổi, trú xã Ba Lòng, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị). Trước hình ảnh con sán khổng lồ được lấy ra từ cơ thể mình, anh Tuấn cho biết: “Thực ra, tôi đã biết trong cơ thể mình có sán nhưng không ngờ con sán này lại dài đến mức đó. Lần đầu tiên nhìn thấy nó, tôi cảm thấy vô cùng hoảng hốt. Bởi trước đây, tôi chỉ nhìn thấy những con sán dài vài cm khi tẩy giun”.
Anh Tuấn cho hay, mình đã phát hiện biết nhiễm sán cách đây hơn 1 năm. Thời điểm đó, người đàn ông này thường xuyên nhìn thấy các đoạn sán rơi ra ngoài mỗi lần đi vệ sinh. Tần suất rơi các đoạn sán ngày càng tăng theo thời gian, cả về kích thước lẫn số lượng. Nhưng vì bản thân vẫn ăn uống bình thường, khả năng lao động không thấy bị ảnh hưởng, anh Tuấn chủ quan không đi bệnh viện khám. Mãi đến gần đây, khi cơ thể có biểu hiện mệt mỏi, sút cân liên tục, anh mới bắt đầu thấy lo.
“Giọt nước tràn ly” mà con sán xơ mít khổng lồ gây ra chính là lần anh Tuấn đi vệ sinh ngày 1/5. Hôm đó, anh Tuấn phát hiện đoạn sán rơi ra ngoài dài đến gần 1m. Quá hoảng hốt, anh vội vàng báo cho người nhà để chuẩn bị nhập viện. “Sau khi tìm hiểu thông tin, biết được ở bệnh viện Y học cổ truyền Thừa Thiên Huế có y sĩ Danh nổi tiếng trong việc trị sán nên tôi đã sắp xếp thời gian để vào Huế”, anh Tuấn cho biết.
Ngay sau khi anh Tuấn nhập viện và chẩn trị thì chỉ mất 15 giờ đồng hồ sau đó, toàn bộ con sán đã được xổ ra khỏi cơ thể trước sự ngỡ ngàng của các bác sĩ và bệnh nhân trong bệnh viện.
Anh Hoàng Đức Tùng (một bệnh nhân trong bệnh viện) kể lại: “Lúc anh Tuấn và y sĩ Danh đi từ trong nhà vệ sinh bước ra mang theo một cái chậu trên tay, bên trong là một con sán dài hơn chục mét, mọi người ai cũng cảm thấy kinh hãi. Trong đời tôi cũng như những người chứng kiến ngày hôm đó đều chưa từng gặp qua một con sán như thế. Chắc có tưởng tượng, cũng không ai nghĩ rằng nó lại dài đến mức như vậy”.
Trên thực tế, đối với những người mang sán trong cơ thể thì việc nhận biết ra chúng là cực kỳ khó. Theo y sĩ Danh, bắt đầu từ thời gian sán mới hình thành thì đa số đều không có biểu hiện gì, sức khỏe có thể nói là hoàn toàn bình thường. Chính vì lý do này, không ít người, điển hình là trường hợp anh Tuấn đã chủ quan, tạo cơ hội cho sán phát triển mạnh và bắt đầu gây ra những triệu chứng nguy hại.
Thông thường, người bệnh có biểu hiện hay đau bụng, cơ thể sút cân, gây thiếu máu, tắc đường ruột, suy nhược cơ thể. Sau đó sẽ phát hiện thấy sán rơi ra ngoài qua đường hậu môn. Đến lúc này, đa phần những người mang sán trong người như anh Tuấn luôn cảm thấy vô cùng bất an và ái ngại khi tiếp xúc với người khác. Nhiều lúc đang ngồi nói chuyện bình thường với mọi người thì từ hậu môn, sán rơi ra từng đốt dài từ 20 đến 30cm.
Mặc dù vậy, nếu một khi sán trong người đã được xổ ra hoàn toàn thì cơ thể sẽ nhanh chóng phục hồi lại trạng thái bình thường, không phải mất nhiều thời gian dưỡng bệnh như các loại bệnh khác nên có thể được xuất viện ngay sau ca xổ thực hiện thành công một vài giờ.
Nếu người bệnh ăn uống bình thường thì không có gì lo ngại về tình hình sức khỏe. Điều quan trọng là phải làm sao để loại trừ hết mầm bệnh của sán tồn tại trong cơ thể. Nếu không như vậy thì một thời gian sau đó nó sẽ phát triển lại bình thường và tiếp tục gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh.
Y sĩ Danh cho rằng, theo lời kể của anh Tuấn là mình đã mắc sán được hơn 1 năm là chưa đúng. Qua quá trình chẩn trị ban đầu cộng với kinh nghiệm có được thì y sĩ Danh khẳng định, con sán này đã tồn tại trong cơ thể anh Tuấn không dưới 4 năm. Nhưng vì tác động ban đầu của sán đối với cơ thể khó nhận biết nên anh Tuấn mới tưởng rằng mình vừa mắc bệnh.
Y sĩ Danh cho biết: “Trước đây, tôi đã điều trị cho rất nhiều bệnh nhân nhiễm các loại giun sán. Tuy nhiên, con sán dài đến 12m trong người anh Tuấn thì quả thực là vô cùng hy hữu”.
Theo y sĩ Danh, hiện nay tình trạng nhiễm giun sán đã giảm đi đáng kể so với trước đây. Tuy nhiên, một khi đã mắc sán trong người thì nó sẽ phát triển rất nhanh. Bởi chất lượng dinh dưỡng của chúng ta bây giờ cao hơn so với trước. Chính vì vậy, sán có môi trường thuận lợi để phát triển, lớn nhanh hơn. Những gì mà bệnh nhân mắc sán ăn vào sẽ không được hấp thụ hoàn toàn. Lượng chất dinh dưỡng mà cơ thể chúng ta nhận được khi ăn vào tỉ lệ nghịch với chiều dài của sán.
Gian nan trục sán xơ mít
Là người có nhiều năm nghiên cứu cũng như chữa trị các loại giun sán, y sĩ Danh cho biết: “Sán xơ mít (hình dạng giống xơ của trái mít) có tên khoa học là Toenia, cơ thể chia thành nhiều đốt nhỏ. Trong y học cổ truyền, loài ký sinh này còn được gọi là bạch thốn trùng hay bách thốn trùng. Người nhiễm loài sán này chủ yếu do ăn đồ tái, sống từ đó ấu trùng sán thâm nhập và ký sinh trong đường ruột người bệnh. Môi trường trong cơ thể con người rất phù hợp cho sán phát triển.
Trong quá trình đi vệ sinh, phần kén này sẽ thoát ra ngoài qua đường hậu môn và bám vào các loại cây cỏ. Khi những động vật ăn cỏ ăn như trâu, bò, dê, cừu ăn vào, phần kén nói trên sẽ đi đến các cơ dưới da của con vật và tiềm ẩn trong đó. Tuy môi trường trong cơ thể của động vật không thuận lợi cho kén sán phát triển thành sán trưởng thành, nhưng lại là nơi mà mầm bệnh này tồn tại được rất lâu. Khi ăn thịt các động vật đó nếu không được nấu chín thì phần kén này sẽ đi vào trong cơ thể. Gặp được điều kiện thuận lợi thì phát triển thành sán và cứ theo quy trình như trên, sán xơ mít sẽ lây truyền từ người này qua người khác”.
Cũng theo y sĩ Danh thì để thực hiện được thành công một ca xổ sán cần phải chú ý đến rất nhiều yếu tố. Từ những triệu chứng và biểu hiện của bệnh nhân cũng như những gì thấy được trong quá trình kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân đó. Tiếp đến là xác định loại thuốc phù hợp.
Vì điều trị bằng Đông y nên cách bốc thuốc và bào chế loại thuốc đó cũng rất khác biệt. Phải cân đối về tỷ lệ và liều lượng rồi sau đó mới tính đến việc bào chế như thế nào để thuốc có thể phát huy được tác dụng một cách hiệu quả nhất.
Điều quan trọng cuối cùng là cho bệnh nhân uống như thế nào. Điều này tưởng như đơn giản nhưng nó lại là một trong những vấn đề then chốt. Bệnh nhân xổ sán phải nhịn ăn để đảm bảo bụng rỗng trước khi uống thuốc. Có như thế, con sán đó mới hấp thu toàn bộ lượng thuốc được uống vào. Uống khoảng 4 lần từ 5h trong vòng 15 giờ đồng hồ thì con sán sẽ hấp thu toàn bộ và chịu sự tác động của thuốc mà thoát ra ngoài.
Theo Duy Khánh
Báo Gia đình & Xã hội