Chứng đau đầu có nguy hiểm?

“Tôi công tác tại một văn phòng đại diện nước ngoài, công việc rất căng thẳng. Thời gian gần đây tôi hay bị đau đầu và không tập trung làm việc được. Tôi rất sợ đi khám bệnh nên muốn bác sĩ cho biết, bệnh đau đầu có nguy hiểm không và cách chữa trị như thế nào?”

 BS Nguyễn Quang Hưng - Phòng khám Thần kinh 160 đường Giải Phóng - Hà Nội trả lời:

 

- Đau đầu là một chứng bệnh thường gặp, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà một trong những nguyên nhân là tâm lý căng thẳng. Đau đầu do căng thẳng thường gặp nhất là tuổi 30-40, nữ có xu hướng bị nhiều hơn nam. Tuy chứng đau đầu này không nguy hiểm nhưng nó ảnh hưởng tới lao động và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

 

Triệu chứng của bệnh là những cơn đau đầu thường xuất hiện khi bệnh nhân phải suy nghĩ căng thẳng hoặc lo lắng buồn phiền, cơn đau kéo dài từ vài phút đến vài ngày hoặc xuất hiện làm nhiều đợt trong ngày. Đặc điểm của đau đầu loại này là đau âm ỉ, có cảm giác như bị ép, thắt chặt giống như khi ta đội mũ chật hoặc siết vành khăn trên đầu và ở một số bệnh nhân còn kèm theo nhức, mỏi các cơ ở đầu, cổ. Thường là bệnh nhân đau cả hai bên đầu hoặc lúc đau bên này lúc đau bên kia, trong cơn đau bệnh nhân không sốt, không buồn nôn hoặc nôn, không sợ ánh sáng và tiếng động, hoặc nếu có sợ thì chỉ một trong hai hiện tượng trên.

 

Một đặc điểm nữa là cơn đau không tăng lên khi hoạt động thể lực thông thường nhưng lại tăng lên khi xúc cảm, nhưng không bao giờ đau đến mức làm cản trở sinh hoạt của người bệnh. Khi khám thần kinh trong hay ngoài cơn đau đều bình thường.

 

Tuy nhiên, một số trường hợp đau đầu do những nguyên nhân thực thể khác cũng có nét giống như đau đầu tâm lý, do đó khi bị đau đầu tốt nhất là đến khám bác sĩ và nếu cần thì làm một số xét nghiệm khác như test tâm lý, chụp X-quang sọ, làm điện não đồ, chụp cắt lớp vi tính... để phát hiện sớm hoặc loại trừ các bệnh nguy hiểm như u não, tai biến mạch máu não, bệnh horton...

 

Về điều trị, phải kết hợp tâm lý trị liệu và thuốc, các thuốc điều trị chủ yếu là thuốc an thần, chống lo âu nhóm benzodiazepam (seduxen, valium), thuốc chống trầm cảm (anafranil, laroxyll), thuốc giảm đau (paracetamol, aspirin) và thêm thuốc dãn cơ trong trường hợp đau đầu có liên quan đến căng cơ quanh hộp sọ. Liều lượng cụ thể phải được bác sĩ chuyên khoa thần kinh hoặc tâm thần kê đơn bởi vì các thuốc trên có nhiều tác dụng phụ và dùng nhiều có thể gây nghiện thuốc, nhờn thuốc. Điều trị tâm lý cá nhân hoặc nhóm phối hợp với các phương pháp thư dãn, thay đổi nếp sinh hoạt, bỏ các thói quen xấu trong sinh hoạt, đồng thời khuyến khích bệnh nhân tập luyện thể thao, vui chơi, giải trí lành mạnh...

 

Ngoài ra, chữa bệnh bằng y học cổ truyền cũng rất tốt, nhất là với bệnh nhân đau đầu kèm theo căng cơ quanh hộp sọ, thường là phối hợp xoa bóp bấm huyệt với vật lý trị liệu vùng đầu cổ.

 

Theo Tuổi Trẻ