Choáng ngất do nắng nóng, 2 người tử vong
(Dân trí) - Bác sĩ Nguyễn Thị Nga, khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, khoa tiếp nhận liên tiếp 3 bệnh nhân choáng ngất do nắng nóng, khi đưa vào viện đã hôn mê, sốt cao trên 40 độ, truỵ tim mạch. Bệnh nhân được cấp cứu hạ thân nhiệt, lọc máu liên tục... nhưng 2 người đã không qua khỏi, bệnh nhân còn lại đang nguy kịch.
Bác sĩ Nga cho biết, cả 3 bệnh nhân được đưa tới viện trong tình trạng hôn mê sâu, sốt cao trên 40 độ, trụy tim mạch, tổn thương chức năng gan, thận và rối loạn đông máu nặng.
Các bệnh nhân trên đều có đặc điểm chung là lao động nhiều giờ trong điều kiện nắng nóng, không nghỉ ngơi và bổ sung nước đầy đủ.
Khi bệnh nhân có biểu hiện choáng ngất và hôn mê, được đưa vào viện đã trong tình trạng sốc nhiệt nặng, tổn thương nhiều cơ quan nghiêm trọng.
Cả 3 được các bác sĩ cấp cứu, điều trị tích cực bằng hạ thân nhiệt, lọc máu liên tục…nhưng 2 bệnh nhân đã không qua khỏi, một trường hợp vẫn đang nguy kịch.
Nhận biết sớm dấu hiệu sốc nhiệt
Theo bác sĩ Nga, trong đợt nắng nóng cao điểm với nhiệt độ ngoài trời thường xuyên trên 40 độ C ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ. Điều kiện thời tiết khắc nhiệt như vậy rất dễ dẫn đến các vấn đề sức khỏe do nóng như cháy nắng, chuột rút, ngất, say nắng…trong đó nguy hiểm nhất là sốc nhiệt (Heat Stroke).
Sốc nhiệt là tình trạng nguy hiểm đến tính mạng do tiếp xúc nhiệt độ cao gây ra. Nếu không được cấp cứu kịp thời nạn nhân có thể tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề.
Những đối tượng có nguy cơ cao bị sốc nhiệt là người già, trẻ em, người mắc bệnh lý mạn tính như bệnh tim mạch, gan, ung thư…, những người lao động ngoài trời như công nhân, nông dân, vận động viên thể thao, bộ đội huấn luyện ngoài thao trường…
Người bị sốc nhiệt thường là những người lao động, hoạt động trong thời tiết nắng nóng. Bệnh nhân ban đầu có thể có các triệu chứng ra mồ hôi nhiều, đau cơ, yếu cơ, chuột rút, chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, nôn hoặc ngất.
Nếu có biểu hiện sốt cao > 39-40oC, da khô, nóng, rối loạn ý thức như mê sảng, co giật, hôn mê, là biểu hiện tiến triển đến sốc nhiệt. Đây là tình trạng đe dọa đến tính mạng, cần được xử trí tại chỗ ngay, đồng thời gọi ngay tới đơn vị cấp cứu để đưa đến các cơ sở y tế kịp thời.
Xử trí hạ thân nhiệt ngay tại chỗ để cứu người bệnh
Theo bác sĩ Nga, việc phát hiện và xử trí tại chỗ khi xảy ra say nắng hoặc sốc nhiệt là cực kỳ quan trọng vì thân nhiệt cao kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ tổn thương thần kinh và các cơ quan khác không hồi phục.
Nếu cứ để nguyên tình trạng đưa người bệnh đến viện sẽ rất nguy hiểm do mất thời gian di chuyển xa. Vì thế, ngay khi phát hiện bệnh nhân say nắng, sốc nhiệt cần lập tức di chuyển nạn nhân ra khỏi khu vực nắng nóng vào nơi mát mẻ.
Tiếp đó đặt nạn nhân nằm xuống, cởi bớt quần áo. Sử dụng nước lạnh hoặc khăn ướt phủ lên toàn bộ cơ thể đồng thời dùng quạt thồi vào để tăng cường hạ nhiệt
Người bệnh cần được cho uống nước ngay nếu còn tỉnh và không nôn nhiều.
Trong quá trình cấp cứu, xử trí tại chỗ hãy gọi xe cấp cứu để chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất
Trên đường vận chuyển vẫn cần tiếp tục duy trì các biện pháp để hạ thân nhiệt cho người bệnh, như bật điều hoà, mở của sổ xe. Tiếp tục đắp khăn ướt và nước lạnh lên cơ thể. Nếu có trên xe cứu thương có thể truyền dịch tĩnh mạch theo dõi sát nhiệt độ cơ thể.
Phòng mất nước, muối khi làm việc ngoài trời nắng
Bác sĩ Nga cho biết, cơ thể tiết mồ hôi nhiều kéo theo mất nước, muối rất lớn. Vì thế, trong thời tiết nắng nóng cần uống đủ nước, tránh mất nước và muối khi làm việc ngoài trời nóng. Tốt nhất nên sử dụng oresol pha nước uống để bù nước, điện giải.
Khi ra đường cần mặc áo chống nắng, kính bảo hộ khi ra ngoài trời nắng. Bố trí thời gian làm việc ngoài trời và nghỉ ngơi hợp lý, tránh tiếp xúc môi trường nhiệt độ cao quá lâu.
Trong điều kiện thời tiết còn nắng nóng kéo dài, mỗi cá nhân, cơ quan, đơn vị cần có các biện pháp dự phòng phù hợp khi lao động, hoạt động trong nhiệt độ cao nhằm giảm thiểu nguy cơ say nắng và sốc nhiệt.
Hồng Hải