Chó nhà hàng xóm tấn công, bé gái 3 tuổi chấn thương phức tạp vùng hàm mặt
(Dân trí) - Cô bé 3 tuổi được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ trong tình trạng hoảng loạn, sợ hãi, nhiều vết thương vùng hàm mặt phức tạp, vết thương vùng trán lộ xương... sau khi bị chó nhà hàng xóm cắn.
Bệnh nhi 3 tuổi (trú tại Thanh Uyên, Tam Nông, Phú Thọ) được chuyển đến BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ lúc 20h00 ngày 2/6/2020 trong tình trạng hoảng sợ, nhiều vết thương phức tạp vùng hàm mặt.
Người nhà bệnh nhi cho biết, tai nạn xảy ra vào khoảng 18h00 tối cùng ngày. Cô bé 3 tuổi sang nhà hàng xóm chơi với bạn. Khi các bé đưa nhau ra sau nhà chơi thì bất ngờ bị chó tấn công và cắn.
Tại thời điểm xảy ra tai nạn, mặc dù con chó nuôi đã được xích nhưng cháu bé còn quá nhỏ và chưa có khả năng phản ứng nhanh với tình huống bất ngờ này nên bị cắn thương khá nặng.
Con chó cắn bé gái là là giống chó lai rất hung tợn, (trước đó đã cắn nhiều người khác trọng thương) nặng khoảng 15- 16kg, được gia đình hàng xóm nuôi để trông nhà.
ThS.BS Điêu Tài Thu, Trưởng khoa Liên chuyên khoa Mắt – Tai Mũi Họng – Răng Hàm Mặt, người trực tiếp thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhi cho biết: Các vết thương vùng hàm mặt của bệnh nhi khá phức tạp, trong đó vết thương vùng trán đã lộ xương và một số vị trí có khuyết hổng phần mềm khá lớn nên việc phẫu thuật đòi hỏi phải rất tỉ mỉ, cẩn thận và đảm bảo được tính thẩm mỹ cho khuôn mặt của trẻ sau khi hồi phục.
Sau khi được xử lí rửa sạch vết thương, thay băng, loại bỏ các dị vật và khâu tạo hình thẩm mỹ các vết thương hở, hiện sức khỏe và tâm lý bệnh nhi đã ổn định.
Các bác sĩ khuyến cáo, tai nạn do chó cắn khá phổ biến ở cả trẻ em và người lớn. Tại Trung tâm Sản Nhi – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, trong khoảng 1 năm trở lại đây, Trung tâm tiếp nhận và điều trị cho hàng chục bệnh nhi bị chó cắn, trong đó có nhiều trường hợp trẻ bị chó cắn thương tâm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tâm lý của trẻ.
Cũng đã từng có trường hợp ở ngay Hà Nội em bé vài tháng tuổi bị chó nhà cắn đến mất máu, tử vong.
Vì thế, BS Thu khuyến cáo các bậc phụ huynh nên hạn chế cho trẻ em tiếp xúc với chó nuôi, chó lạ. Nếu nhà có trẻ nhỏ thì không nên nuôi giống chó to, dữ. Khi nuôi chó, phải thực hiện tiêm phòng đầy đủ, chó phải được thuần dưỡng, được xích và đeo rọ mõm khi ra đường.
Nếu không may bị chó cắn, cần nhanh chóng rửa sạch vết thương dưới vòi nước chảy để loại bỏ các mầm bệnh. Sau đó dùng băng gạc hoặc vải sạch nhẹ nhàng băng bó lại vết thương nhằm cầm máu cũng như hạn chế vi khuẩn tấn công và đưa nạn nhân đến trung tâm y tế gần nhất để được hỗ trợ, xử trí kịp thời.
Ngoài việc xử lý vết thương do chó cắn, các bác sĩ cũng đặc biệt lưu ý nguy cơ lây bệnh dại từ chó. Vì thế, khi bị chó cắn, bên cạnh chăm sóc vết thương, nạn nhân cần được đưa đến ngay cơ sở tiêm chủng để được bác sĩ tư vấn và chỉ định tiêm phòng dại cũng như hướng dẫn cách xử trí với vật nuôi.
Bởi theo các chuyên gia y tế, khi bị chó cắn, ngoài những vết thương hở làm mất tính thẩm mỹ và các tổn thương ảnh hưởng đến sức khỏe, nạn nhân còn có thể mắc bệnh dại lây từ vật nuôi sang người người qua vết cắn. Đây là nguyên nhân khiến nạn nhân lên cơn dại, thậm chí tử vong nếu không được xử trí cấp cứu đúng cách và kịp thời.
Tú Anh