1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Chớ coi thường tiếng ngáy "khò, khò..."!

"Kéo cưa" là từ dân gian thường dùng để chỉ những người trong lúc ngủ phát ra âm thanh... khò khò! Ít ai biết rằng ngáy là một hội chứng bệnh có thể gây ngưng thở trong lúc ngủ, dẫn đến tử vong đột ngột!

Ngáy cho... tan nhà"

 

 "Nửa đêm chồng ngáy o o/Vợ thương vợ bảo ngáy cho vui nhà!". Đó là ngày xưa, còn ngày nay, ai cũng tất bật với thời gian, nên thời gian dành cho giấc ngủ là rất ngắn, rất quý với mọi người, vì thế ngáy không còn là "vui nhà" nữa, mà là thứ âm thanh làm người ngủ chung khó chịu, dễ "tan nhà".

 

Theo bác sĩ Phạm Thanh Sơn, khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TPHCM) thì: "Trong y học, ngáy là biểu hiện chính của hội chứng ngưng thở trong khi ngủ. Đặc biệt là bệnh thường gặp ở nam giới, còn phụ nữ cũng mắc phải nhưng rất ít. Theo thống kê, tỷ lệ nam giới mắc hội chứng ngáy khoảng 4% (còn riêng ở giới nữ thì khoảng 2%).

 

Về nguyên nhân, 2/3 trong số người bệnh (cả nam và nữ) là những người có thể trạng béo phì; nguyên nhân còn do hẹp đường thở, âm ngáy phát ra là do sự rung động của thành hầu (do luồng khí đi qua chỗ hẹp tạo thành tiếng rít); một số yếu tố dễ dẫn đến mắc hội chứng ngáy đó là: bất thường về cấu trúc ở khối xương mặt; những người uống nhiều rượu; người dùng nhiều thuốc an thần; hoặc do bị viêm nhiễm phì đại amidan (cả người lớn và trẻ em); vẹo vách ngăn; polyp mũi; viêm VA (ở trẻ em); bị liệt dây thanh...".

 

Bác sĩ Võ Quang Phúc - Phó giám đốc Bệnh viện (BV) Tai - Mũi - Họng TPHCM cảnh báo thêm:  "Phần lớn những người lớn có hội chứng ngáy thì có kèm theo cao huyết áp...".

 

Những biểu hiện và biến chứng

 

Theo bác sĩ Võ Quang Phúc, hội chứng ngáy được chia làm 5 mức độ, từ nhẹ đến nặng (từ độ I đến độ V - theo bảng phân loại độ ngáy Epworth - tên của một bác sĩ người Mỹ). Nếu chỉ ngáy ở độ I thì gần giống như người bình thường, nên người bệnh không hề hay biết, ở độ II biểu hiện âm thanh ngáy nhỏ, không làm ảnh hưởng những người xung quanh, độ III thì ngáy vừa, có ảnh hưởng người xung quanh, mức độ IV thì ngáy lớn gây ảnh hưởng những người cả phòng, còn độ V thì ngáy rất lớn, khiến đám đông ngủ chung phòng phải giật mình thức giấc!

 

Theo bác sĩ Phạm Thanh Sơn, ngáy có thể từng cơn ("kéo" khò khò dồn dập từ 5 - 10 phút thật lớn, rồi ngưng một lát lại "kéo" tiếp!), hoặc có thể ngáy liên tục trong suốt giấc ngủ; ngáy theo tư thế (nằm ngửa thì ngáy, nằm nghiêng lại hết); trong khi ngủ có những lúc bị ngưng thở rất ngắn (vài giây), nên phần lớn người bị không biết.

 

Còn về ban ngày, thì những người mắc hội chứng ngáy hay buồn ngủ, nhất là những lúc không vận động như ngồi đọc sách, báo, lái xe (vì vậy, mà đa phần những người bệnh có tiền sử va quệt, tai nạn xe cộ); nhức đầu...

 

Còn đối với trẻ em bị hội chứng ngáy thường hay có đái dầm; chậm lớn; phát triển trí tuệ kém (do đường thở hẹp khiến thiếu oxy vào máu, thiếu oxy não kéo dài gây nên).

 

Về ảnh hưởng của hội chứng ngáy đối với sức khỏe, theo bác sĩ Võ Quang Phúc thì đối với người lớn, hội chứng ngáy gây mệt mỏi vào ban ngày (do ban đêm bị ngáy nên ngủ không sâu). Còn trẻ em thì có thể gây nguy hiểm đến tính mạng (do ngưng thở trong lúc ngủ). 

 

Theo bác sĩ Phạm Thanh Sơn, người ngủ ngáy bị giảm lượng oxy trong máu, trong khi nồng độ CO2 tăng lên, lâu ngày sẽ dẫn đến co thắt động mạch phổi, tăng áp lực phổi, gây suy tim, có thể gây ra biến chứng loạn nhịp tim nhanh (do thiếu oxy), có thể gây chết đột ngột!

 

Điều trị ngáy

 

Phần lớn người bệnh không nghĩ rằng đây là bệnh nên không quan tâm đến việc điều trị, trừ khi xảy ra biến chứng. Như trường hợp của một bệnh nhi 2 tuổi (ở TPHCM) đã được các bác sĩ của BV Tai - Mũi - Họng, TP.HCM phẫu thuật vào ngày 16/2 vừa qua. Bác sĩ Nguyễn Thanh Vinh, khoa Nhi - tổng hợp của BV cho biết, bệnh nhi nhập viện với lý do ngủ ngáy rất nhiều và bị những cơn ngưng thở trong lúc ngủ. Khám thấy amidal to làm hẹp cả eo họng, nên đã phẫu thuật cắt amidal để tái hồi lượng lưu thông không khí cho bé.

 

Theo bác sĩ Phạm Thanh Sơn, mục tiêu chính của điều trị hội chứng ngáy là điều chỉnh hoặc chỉnh hình một hay nhiều yếu tố gây hẹp đường thở. Chẳng hạn, đối với những người béo phì thì cần phải giảm cân; thay đổi tư thế nằm ngủ; kiêng rượu; hạn chế dùng các thuốc an thần hoặc dùng những thuốc làm rộng đường thở (phải do bác sĩ chỉ định), có thể phẫu thuật để giải quyết những yếu tố gây bệnh như: cắt amidal, nạo VA, cắt polyp mũi, chỉnh hình vách ngăn... Ở một số nước, người ta hay sử dụng mặt nạ để úp lên mặt (có nối với máy bơm để tạo áp lực dương trong khi ngủ).

 

Theo bác sĩ Hoàng Bá Dũng (khoa Tai - Mũi - Họng, BV Chợ Rẫy): "Ở trẻ em, phần lớn bị hội chứng ngáy là do viêm amidan hoặc VA, giải quyết hai "món" này thì sẽ hết". Còn theo bác sĩ Võ Quang Phúc: "Cuộc sống bận rộn, vì thế ngáy làm phiền toái, gây khó ngủ, hay thức giấc đối với những người xung quanh, nhất là vợ (chồng), do vậy, gần đây, người ta quan tâm nhiều hơn đến việc chữa trị chứng bệnh này.

 

Mức độ ngáy gia tăng theo thời gian, nếu điều trị những phương pháp điều chỉnh khác không đỡ thì phải phẫu thuật, thường khi bệnh ở độ III thì phải mổ để điều chỉnh màng hầu. Kết quả, có thể giảm ngáy từ 70 - 80% hoặc còn ngáy nhẹ. Mục đích phẫu thuật là để giải quyết những nguyên nhân, làm rộng đường thở, để không khí đi qua dễ dàng. Những người bị hội chứng ngáy cần bỏ thuốc lá và rượu (hai thứ này làm dày niêm mạc, gây hẹp eo họng)...".

 

Theo Thanh Tùng

Thanh niên