1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Chết vì thú cưng

Mới đây, 3 người cùng một gia đình bị chó cắn nhưng không đi tiêm phòng. Sau đó, một phụ nữ trong số nạn nhân trên (34 tuổi) phát dại, khó thở, vật vã, dù được tận tình cứu chữa nhưng chị không qua khỏi. Hai người còn lại phát hoảng đi chích ngừa ngay nhưng giờ sống trong thấp thỏm.

Tiêm vắc-xin phòng dại do chó cắn tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM
Tiêm vắc-xin phòng dại do chó cắn tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM
 
Chết do không tiêm phòng

 

Các trường hợp chết do chủ quan với bệnh dại như thế lâu nay không hiếm. Tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TPHCM, mỗi năm tiếp nhận không ít bệnh nhân dại tử vong trong vòng 24 giờ sau khi nhập viện. Đáng nhớ nhất là trường hợp anh T. (38 tuổi, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), làm nghề đi biển , cả tháng mới vào bờ một lần. Trong một lần tàu cập bến, anh T. bị chó táp vào chân và có đi chích ngừa. Sau 2 lần chích, anh T. bỏ chích mũi thứ ba do tới ngày tàu ra khơi và nghĩ chắc sẽ không sao. Tuy nhiên, chừng 2 tuần sau,  anh T. lên cơn dại với những biểu hiện khó thở, sợ nước, sợ gió... Lúc này, tàu mở hết tốc lực chạy vào bờ đưa  anh T. đến BV song không thể cứu được.

 

Nhiều trường hợp mất mạng oan uổng bởi thú cưng mà em N. (7 tuổi, ngụ TPHCM) là điển hình. Bị chú chó kiểng nhà nuôi cắn nhẹ vào tay nhưng gia đình chỉ đưa đến phòng khám tư rửa vết thương mà không tiêm ngừa dại. 20 ngày sau, cùng lúc con chó bỏ ăn lăn đùng ra chết thì N. lên cơn, chuyển đến BV thì đã quá muộn.

 

TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, cho biết bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus dại thuộc họ Rhabdoviridae gây nên, thường xảy ra nhiều nhất ở chó. Virus dại hiện diện trong nước bọt của chó, xâm nhập vào cơ thể qua vết cắn. Thời điểm tháng 4, tháng 5 hằng năm, trung bình mỗi ngày có 20-30 bệnh nhân đến BV tiêm phòng do bị chó cắn. Thống kê của Trạm Phòng chống dịch - Kiểm dịch động vật TPHCM cũng cho thấy vào thời điểm nắng nóng, bệnh dại ở vật nuôi gia tăng với trung bình mỗi ngày tiếp nhận chích ngừa từ 35-40 thú cưng do người dân mang tới.

 

Dễ phòng, khó cứu

 

Theo Bộ Y tế, mỗi năm, nước ta có khoảng 500.000 người bị chó cắn phải tiêm phòng dại. Động vật bị bệnh dại truyền vi rút dại sang người qua vết cắn, vết cào, vết xước trên da và niêm mạc bị tổn thương. Ở nước ta, chó nhà nuôi là nguồn truyền bệnh dại cho người nhiều nhất (khoảng 95% - 97%), sau đó là mèo. Bệnh này cướp đi mạng sống 100 người/ năm. Riêng từ đầu năm đến nay đã có 24 người chết vì dại (35% là trẻ em). Đa số trường hợp này đều không tiêm vắc-xin phòng sau khi bị chó cắn (86% chủ quan với chó nhà). Thời gian ủ bệnh trung bình từ 1 - 3 tháng, tuy nhiên, một số trường hợp xuất hiện sớm hơn (dưới 1 tuần) hoặc muộn hơn (có trường hợp xuất hiện sau 1 năm).

 

Theo ThS.BS Lê Hồng Nga, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, bệnh dại những năm gần đây báo động cả về số ca mắc và tử vong, đặc biệt là trẻ em từ 5-14 tuổi. Trẻ hay đùa nghịch với chó, trong khi chiều cao của các em còn thấp nên thường bị chó cắn vào đầu, cổ.

 

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho hay một khi virus dại đã xâm nhập vào bên trong tế bào thần kinh, tủy sống và não bộ thì y học không có biện pháp nào tiêu diệt hoặc ngăn chặn sự di chuyển của chúng. Cho đến nay, bệnh dại khi đã lên cơn đều tử vong 100%.

 

Theo BS Nguyễn Thị Minh Phượng, Trưởng Khoa Kiểm soát dịch bệnh - Viện Pasteur TPHCM, biện pháp duy nhất để cứu chữa những người bị súc vật dại cắn hoặc tiếp xúc với vi rút dại là phải tiêm vắc-xin dại và huyết thanh kháng dại càng sớm càng có hiệu quả.

 

Các chuyên gia cho biết bệnh này có cách phòng ngừa chủ động là tiêm phòng vắc-xin dại cho chó và người. Đối với chó, nếu được tiêm phòng khi cắn người thì người không bị. Đối với người nên chích ngừa dự phòng, đặc biệt những người có nguy cơ phơi nhiễm cao với virus dại như nhân viên thú y, phòng thí nghiệm, người thường xuyên tiếp xúc với động vật, người sống trong vùng có tỉ lệ chó dại cao.

 

 

Theo Nguyễn Thạnh

Người lao động