Chết oan vì tin “lang vườn” chữa được bệnh dại

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Nam, từ năm 2008 đến nay toàn tỉnh có 13 trường hợp bệnh nhân tử vong do lây nhiễm bệnh dại từ chó, mèo. Điều đáng nói, trong đó có một số trường hợp tử vong do tin lời của thầy lang…

Mất mạng vì tin lời thầy lang

 

Sau khi bị chó, mèo cào, cắn, thay vì đến cơ sở y tế để tiêm phòng, nhiều người đã tìm đến các thầy lang “cào” để biết mình có bị nhiễm vi-rút dại hay không. Chính quan niệm sai lầm và phương pháp “chẩn đoán” bệnh thiếu khoa học này mà nhiều người đã thiệt mạng.

 

Trường hợp gần đây nhất là cái chết của cháu Phạm Thị Yến N. (SN 2005, xã Tam Sơn, huyện Núi Thành), tử vong ngày 27/1/2014. Trước đó, ngày 17/10/2013, cháu N. bị chó của hàng xóm cắn. Ban đầu, anh Phạm Hồng T. (SN 1974, cha của cháu N.) có ý định đưa con đến cơ sở y tế để tiêm vắc-xin phòng dại. Thế nhưng, nghe nhiều người quen bảo tiêm vắc-xin sẽ làm cháu N. giảm trí nhớ nên anh T. chở con đi tìm thầy lang để “cào” xem con chó kia có phải là chó dại hay không.

 

“Thầy” Nga đang “chẩn đoán” bệnh dại.

“Thầy” Nga đang “chẩn đoán” bệnh dại.

 

Đầu tiên, anh T. đưa con đến một thầy lang tên H. trên đường Nguyễn Thái Học (TP Tam Kỳ). Sau khi dùng một vật giống viên bi trẻ em thường chơi chà xát qua lại chỗ vết chó cắn, bà H. khẳng định con chó không mắc bệnh dại. Vẫn chưa tin, anh T. lại đưa con gái đến một thầy lang khác tên Nga trên đường Trần Dư (TP Tam Kỳ). Tại đây, thầy Nga dùng một đồng xu màu bạc cào xung quanh vết cắn trên chân cháu N., sau đó dùng một vật nhỏ bằng đầu ngón tay cái áp vào vết cắn. Sau khoảng 5 phút “khám” bệnh, “thầy” Nga khẳng định con chó cắn cháu N. là con chó bình thường, không bị bệnh dại.

 

Khoảng 4 ngày sau đó, con chó cắn cháu N. bị chết. Tuy nhiên, do tin tưởng 2 thầy lang nói trên nên gia đình anh T. vẫn không đưa con đi tiêm vắc-xin. Đến ngày 23/1/2014, tức hơn 4 tháng sau ngày bị chó cắn, cháu N. có biểu hiện bệnh như sốt, ăn ít, sợ nước, sợ gió… Cháu N. được đưa đến Bệnh viện Nhi Quảng Nam điều trị. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán cháu N. bị mắc bệnh dại và cháu N. được chuyển ra Bệnh viện Đà Nẵng để điều trị. Tuy nhiên, lúc này cháu đã lên cơn dại điển hình, không thể điều trị được. Sau 4 ngày vật lộn với những cơn dại hành hạ, cháu N. đã tử vong.

 

Mục sở thị thầy lang “cào chẩn đoán bệnh dại”

 

Trong vai người bị chó cắn đi “cào”, chúng tôi đã tìm đến nhà “thầy” Nga để tận mục sở thị phương pháp gia truyền “cào chẩn đoán bệnh dại”. Sau khi hỏi thăm về tình hình sức khỏe hiện tại, thời gian bị chó cắn, bà Nga yêu cầu “bệnh nhân” nằm sấp xuống nền nhà. Đầu tiên, bà Nga dùng một đồng xu màu trắng bạc có đường kính khoảng 2cm cào mạnh quanh vị trí vết thương. Thật ra, vết thương mà chúng tôi gọi là vết chó cắn chỉ là vết thương do bị té ngã cách đây 3 tháng.

 

Cào đến đâu, bà Nga xoa dầu gió đến đó. Sau khi cào “vết chó cắn”, bà Nga chuyển sang cào ở lưng. Sau khi xong công đoạn cào, bà Nga liền lấy một vật có hình hạt đậu, to bằng đầu ngón tay cái chà xát 5 lần vào viên đá to bằng nắm tay rồi áp hạt đậu vào vết cắn. Khi bà Nga thả tay ra thì hạt đậu cũng rơi ra khỏi vết thương. Sau 3 lần như vậy, bà Nga kết luận: “Con chó này là con chó độc. Tuy nhiên, mức độ này chỉ cần uống thuốc đông y là đủ!”.

 

Chúng tôi tò mò hỏi bí quyết nào để biết con chó đó “độc” thì bà Nga giải thích: “Nếu các dấu cào ở quanh vết thương và lưng làm cho da bị đỏ nhiều chứng tỏ con chó “có độc””. Chúng tôi không khỏi buồn cười, bởi với lực cào của bà, da bệnh nhân không bị đỏ mới là chuyện lạ! Rồi chúng tôi cố thuyết phục bà Nga cho xem cái “hạt thần kỳ” giống hạt đậu kia là gì thì bà Nga bảo đó là bí mật gia truyền không thể tiết lộ!

 

“Thuốc” giải độc bà Nga đã bán cho phóng viên.

“Thuốc” giải độc bà Nga đã bán cho phóng viên.

 

Sau khi “khám bệnh”, bà Nga kê cho chúng tôi toa thuốc để giải “độc”. Đó là 5 thang thuốc Đông y được gói trong tờ giấy báo cũ kỹ và bẩn thỉu. Chúng tôi viện cớ không uống được thuốc Đông y để thoái thác thì bà Nga khuyên nên chuyển sang uống thuốc viên và bán 3 gói thuốc nhỏ uống trong 3 ngày. Toàn bộ quá trình chẩn đoán, bốc thuốc diễn ra chưa đầy 15 phút, tổng cộng chi phí là 40 ngàn đồng!

Phương pháp “cào” không có cơ sở khoa học

 

Theo ông Nguyễn Văn Hoàng, Chi cục phó Chi cục thú y tỉnh Quảng Nam, việc “cào” để “chẩn đoán” bệnh nhân có bị nhiễm vi-rút dại hay không là phương pháp hoàn toàn phản khoa học và trên thực tế đã có nhiều bệnh nhân bị chết do tin tưởng vào các thầy lang vườn. Cách tốt nhất để phòng bệnh dại khi bị chó, mèo cắn là phải tiêm vắc-xin ngay trong những giờ đầu tiên. Đặc biệt, khi phát hiện con vật có biểu hiện bệnh dại hoặc vết thương ở gần đầu, mặt, cổ hoặc ở vùng có nhiều dây thần kinh như đầu chi, bộ phận sinh dục, cần phải tiêm cả huyết thanh kháng dại. Nếu không điều trị kịp thời, khi đã lên cơn dại hầu như 100% ca bệnh đều tử vong.

 

Sau khi bị chó, mèo cào, cắn, bệnh nhân nên rửa sạch vết thương với nước xà phòng đặc hoặc nước muối, sau đó sát khuẩn vết thương bằng cồn và đến cơ sở y tế gần nhất để được tiêm vắc-xin phòng bệnh dại. Hiện nay chưa có cơ sở khoa học nào khẳng định việc tiêm vắc-xin phòng bệnh dại sẽ gây giảm trí nhớ cho bệnh nhân. Mọi người cần trang bị kiến thức về bệnh dại và cách phòng tránh để không xảy ra hậu quả đáng tiếc.

 

Theo Hoàng Phương

Petrotimes

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm