Chê dầu mỡ, nhiều cha mẹ đang khiến con trẻ phải ăn món của "người già"

Hồng Hải

(Dân trí) - Trong khi nhu cầu chất béo ở trẻ rất lớn, nhiều gia đình chỉ sử dụng một lượng dầu, mỡ nhỏ khi nấu, thậm chí chỉ nấu món luộc. Nhiều người nghĩ mỡ động vật gây hại, loại hoàn toàn khỏi khẩu phần.

Sai lầm dùng vài giọt dầu ăn, tẩy chay mỡ động vật

PGS.TS Bùi Thị Nhung, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, chất béo (lipid) là khẩu phần dinh dưỡng không thể thiếu với trẻ em. Thậm chí ở trẻ nhỏ, như ở nhóm trẻ 6 tháng đến 2 tuổi, năng lượng do lipid cung cấp là 30- 40% trong tổng năng lượng.

Tương tự, với trẻ 3-5 tuổi năng lượng do lipid cung cấp là 25-35%; với trẻ 6-19 tuổi năng lượng do lipid cung cấp là 20-30%.

Chê dầu mỡ, nhiều cha mẹ đang khiến con trẻ phải ăn món của người già - 1

Trẻ cần được cung cấp chất béo từ mỡ động vật, dầu thực vật, để cung cấp thêm năng lượng cho cơ thể (Ảnh: Getty).

"Nhu cầu chất béo ở lứa tuổi này là rất lớn, nhưng khi chế biến đồ ăn dặm, đồ ăn cho trẻ nhỏ, nhiều gia đình chỉ cho vài giọt dầu ăn. Không ít bà mẹ còn cầu kỳ sử dụng đủ các loại từ dầu gấc, dầu nành, dầu hướng dương... nhưng chỉ cho một lượng rất ít, chỉ 2-3ml. Nhiều gia đình còn không sử dụng mỡ động vật cho trẻ, nên trẻ bị thiếu hụt chất béo", PGS Nhung cho biết.

Theo PGS Nhung, ở lứa tuổi nhỏ, cơ thể trẻ đang phát triển nhanh, rất cần acid arachidonic, một acid béo không no có nhiều trong mỡ động vật, do đó tỷ lệ cân đối giữa lipid động vật và lipid thực vật được khuyến nghị tương ứng là 70% và 30%.

"Điều này có nghĩa, chất béo từ động vật nên là 70, từ thực vật như các loại dầu ăn, chỉ nên 30. Vì thế, trong bữa ăn hàng ngày, trẻ rất cần mỡ động vật", PGS Nhung nói.

Bên cạnh sử dụng ít dầu mỡ, nhiều gia đình không chế biến món ăn riêng cho trẻ, trên mâm cơm toàn món luộc, hấp, vốn được coi là món ăn của người già, người trưởng thành, khiến trẻ càng thiếu hụt chất béo.

Cần bổ sung mỡ động vật cho trẻ

Ngay cả khi thức ăn bổ sung của trẻ thường được cho thêm thịt, cá, trứng, vốn đã có một lượng nhất định lipid động vật rồi nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu về lipid cho lứa tuổi này, vì thế, khi chế biến vẫn cần phải cho thêm vào khẩu phần của trẻ cả dầu thực vật và mỡ động vật theo tỷ lệ 70-30, với 70% là mỡ động vật.

Ở giai đoạn 6-12 tuổi, chất béo là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng khi 1g chất béo sẽ cung cấp 9kcal cho cơ thể. 

Đồng thời, chúng còn đóng vai trò là dung môi hòa tan các vitamin, tham gia cấu tạo nên các tế bào, dịch thể ở trung ương não bộ và cung cấp cho trẻ những axit béo cơ thể không thể tự tổng hợp.

Bên cạnh đó, khi các món ăn được chế biến cùng dầu ăn hoặc mỡ lợn sẽ đầy đủ hương vị, thơm ngon, bắt mắt, kích thích trẻ ăn nhiều hơn. 

Mỡ lợn hay chất béo động vật là thực phẩm giàu vitamin B, D và khoáng chất tốt cho sức khỏe, giúp cơ thể hấp thụ thêm nhiều canxi. Chúng còn chứa lecithin và cholesterol tốt, đây là những chất dinh dưỡng quan trọng trong việc giúp trẻ phát triển hệ thần kinh não bộ.

Còn dầu ăn thực vật chứa nhiều axit béo chưa no cũng như không có cholesterol. Điều đó sẽ giúp giảm đi lượng cholesterol xấu trong máu. Không chỉ thế, dầu ăn còn chứa các vitamin như E, K và rất dễ hấp thu, vượt trội hơn hẳn so với mỡ lợn.

"Trong ngày, món ăn cho trẻ cần 2-3 món xào rán, với lượng dầu mỡ khoảng 25-30 gram dầu mỡ/ngày. Hiện tại, nhiều gia đình sử dụng quá ít so với nhu cầu chất béo của trẻ", PGS Nhung thông tin.

Tuy nhiên, với những trẻ thừa cân, béo phì việc sử dụng chất béo lại có những điều chỉnh phù hợp, cha mẹ nên cho con đi khám dinh dưỡng để điều chỉnh chế độ ăn uống.