Cắt bướu máu to như trái bưởi trong gan bệnh nhi
(Dân trí) - Bệnh nhi 2 tuổi nhập viện trong tình trạng cơ địa suy kiệt, bụng chướng căng, qua chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ xác định gan của bé có khối bướu lớn như trái bưởi. Sau hơn 3 giờ, ê kíp phẫu thuật đã cắt thành công khối bướu có trọng lượng lên tới 1,3kg.
Ngày 1/10, BS Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết, tại đây vừa can thiệp phẫu thuật thành công cho bệnh nhi bị bướu máu gan hiếm gặp. Bệnh nhân là bé gái Nguyễn Ngọc Thanh P. (2 tuổi, ngụ tại Sóc Trăng) được gia đình chuyển tới trong tình trạng bỏ ăn, cơ địa suy kiệt, bụng chướng căng.
Điều tra bệnh sử của bác sĩ ghi nhận, từ khi chào đời, cháu bé có một bướu máu ở chân phải, cháu đang trong quá trình điều trị để hạn chế sự phát triển của bướu. Khoảng 2 tháng trước, bệnh nhi có biểu hiện bỏ ăn, bụng bắt đầu chướng lớn, đã 2 tuổi nhưng cân nặng của cháu chỉ hơn 9kg. Lo ngại trước tình trạng của con, phụ huynh đã chuyển bé lên thẳng bệnh viện Nhi Đồng 1.
Tại đây, qua siêu âm, bác sĩ phát hiện cháu bị một khối bướu rất lớn ở vùng gan bên phải. BS Trung Hiếu chia sẻ: “Các kết quả kiểm tra hình ảnh không thể xác định được đây là bướu lành tính hay ác tính. Một mặt, chúng tôi tiến hành xét nghiệm, sinh thiết bệnh phẩm, mặt khác lên kế hoạch phẫu thuật sớm cho bệnh nhi. Khối bướu to như trái bưởi đã chèn ép nội tạng, mạch máu, nguy cơ tiêu diệt hết các tế bào gan khi cơ thể không lọc được chất độc, bệnh nhi sẽ tử vong”.
Trước khi quyết định phẫu thuật, cả gia đình và bác sĩ đều quan ngại về những nguy cơ có thể xảy ra trên bàn mổ như xuất huyết ồ ạt; nếu là bướu ác tính thì bệnh nhi sẽ phải bước vào quá trình hóa trị, xạ trị tiên lượng rất khó khăn. Bà nội của bé đã đề nghị đưa cháu về vì sợ cuộc mổ không thành công sẽ khiến bé phải chịu thêm nhiều đau đớn. Tuy nhiên, “còn nước còn tát” bác sĩ đã động viên và nhận được sự đồng thuận từ gia đình.
Ngày 29/9, sau khi chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, nhân lực, thuốc và máu, bệnh viện đã quyết định thực hiện cuộc mổ cứu bệnh nhi. Khi mở ổ bụng tham sát, ê kíp phẫu thuật phát hiện khối bướu rất lớn phát triển trên lá gan bên phải. “Sau hơn 3 giờ khẩn trương, chúng tôi đã khoanh vùng, cắt toàn bộ khối bướu, giữ lại được 25% lá gan bên phải cho bệnh nhi. Cuộc mổ đã diễn ra an toàn, khối bướu được đưa ra ngoài có trọng lượng lên tới 1,3kg tương đương với cả bộ phận gan ở người lớn”, BS Trung Hiếu cho hay.
Sau mổ 1 ngày, kết quả xét nghiệm, sinh thiết cũng chỉ ra đây là bướu lành tính, bệnh nhi được hồi sức hậu phẫu, chỉ số sinh hiệu ổn định. Tin vui đó khiến các bác sĩ và gia đình mừng rơi nước mắt, bởi sau khi loại bỏ khối bướu, bệnh nhi sẽ phát triển bình thường như bao trẻ khác, tế bào gan sinh trưởng và bổ sung cho vùng gan đã buộc phải cắt do bị bướu tấn công.
Theo phân tích của bác sĩ Trung Hiếu, bướu bẩm sinh ở bệnh nhi thường rất khó xác định được nguyên nhân. Bướu máu ở gan là dạng ít gặp. Tại bệnh viện Nhi Đồng 1 khoảng 10 năm trở lại đây chỉ tiếp nhận và can thiệp cho 3 trường hợp. Các dạng bướu trong cơ thể bệnh nhi thường tình cờ được phát hiện khi tầm soát các bệnh lý khác thông qua siêu âm. Những trường hợp bướu đã phát triển lớn thường gây khó khăn cho điều trị, tác động xấu đến sinh mạng của trẻ. Do đó khi thấy con em mình có những biểu hiện bất thường về sức khỏe, phụ huynh cần sớm đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Vân Sơn