Cao xương ngựa bị "thổi phồng"

Thời gian gần đây, sản phẩm cao xương ngựa được bán rất nhiều trên thị trường. Cao xương ngựa được quảng cáo trị đủ thứ bệnh. Thực tế thì thế nào?

Đến thời điểm này, giá trị thực của cao xương ngựa đến đâu cũng mới chỉ trên cơ sở truyền miệng. Một số gia đình thường sử dụng theo cách gia truyền, chọn bộ xương ưng ý để nấu cao. Phụ nữ, người già ốm yếu cắt một miếng nhỏ hấp với mật ong để dùng. Tuy nhiên, việc xác định loại cao thì chỉ người nấu mới biết, vì khi đã thành cao, không phân biệt được đâu là cao xương ngựa kim, bạch hay ngựa màu.

 

Ông Cao Minh Quang, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết: "Gần đây một số cơ sở quảng cáo cao xương ngựa có khả năng chữa trị được nhiều loại bệnh như: xương khớp, thoái hóa cột sống... là chưa đủ căn cứ khoa học. Đặc biệt, sản phẩm này còn được giới thiệu tốt cho mọi lứa tuổi già trẻ, nam nữ, người lớn trẻ con lại càng không đúng.

 

Thời gian qua, cao xương ngựa được quảng cáo quá mức cho phép, khiến người tiêu dùng lầm tưởng đây là sản phẩm có khả năng trị bệnh. Nếu công dụng như vậy, nhà sản xuất cần phải chứng minh trên cơ sở khoa học, thử nghiệm lâm sàng với sự giám sát của Hội đồng khoa học chứ không thể lấy khách hàng ra để khẳng định công dụng sản phẩm. Chúng tôi cũng sẽ xử lý nghiêm đối với những chuyên gia có bài viết thổi phồng về công dụng của sản phẩm cao xương ngựa, những chuyên gia này cũng sẽ phải chứng minh nội dung bài viết bằng những bằng chứng khoa học".

 

Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết: "Đầu tháng 10 vừa qua, chúng tôi đã kiểm tra một cơ sở tại TPHCM chuyên bán cao xương ngựa các loại như: cao xương ngựa kim, ngựa bạch, ngựa màu. Cơ sở này khi bán chỉ ghi là xương ngựa, chứ không ghi rõ loại xương tương ứng với loại cao thành phẩm. Sản phẩm cao xương ngựa được công ty này quảng cáo không đúng với nội dung đã được Cục An toàn vệ sinh thực phẩm thẩm định, nhãn mác cũng không ghi thành phần".

 

Bà Trần Thị Hồng Vân, Phó giám đốc Trung tâm kiểm nghiệm Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết: “Tại thời điểm này, chúng tôi chưa thể khẳng định thành phần cũng như giá trị dinh dưỡng của cao xương ngựa; chưa khẳng định chính xác hữu ích, bổ lợi cho sức khỏe như thế nào".

 

Theo N.S

Thanh niên